BÀI SỐ 1

SỰ ÍCH KỶ

BÀI HỌC

Tính ích kỉ là khởi nguồn của rất nhiều nan đề chúng ta trải qua trong cuộc sống. Có một câu Kinh Thánh trong Châm ngôn 13 mà tôi khuyến khích bạn hãy tìm đọc, vì nếu không, bạn sẽ không tin rằng câu này có ở trong Kinh Thánh. Câu số 10 nói rằng, Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều tranh cãi, còn sự khôn ngoan ở với người chịu nghe lời khuyên dạy. Nhiều người sẽ không đồng ý rằng, “Không thể nào sự kiêu ngạo là lý do duy nhất gây ra tranh cãi hay xung đột. Châm Ngôn 17:14 nói rằng sự tranh cãi là khởi đầu của xung đột, nên sự kiêu ngạo không thể nào là điều duy nhất gây ra xung đột. Lý do tôi có xung đột trong cuộc sống là vì người này, người kia khiêu gợi trước.” Và cũng có người lý luận rằng, “Anh không hiểu, tính cách tôi nó như thế!” Nhưng không, Kinh Thánh nói rằng Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều tranh cãi. Sự kiêu ngạo không phải là một trong những lý do gây ra tranh cãi, mà nó là lý do duy nhất. Và cũng có những người sẽ nói rằng, “Tôi có lắm vấn đề, nhưng kiêu ngạo thì không phải. Trái lại, tôi rất tự ti về bản thân mình, nếu hỏi, không ai sẽ nói rằng tôi là người kiêu ngạo.”

Vậy sự kiêu ngạo là gì? Sự kiêu ngạo không chỉ là suy nghĩ mình hơn người, mà bằng cách nói đơn giản nhất, kiêu ngạo là tự cho mình là tâm điểm của thế giới. Tính tự cho mình là tâm điểm thế giới là nguồn gốc của sự kiêu ngạo. Trong Dân Số Ký 12:2, Mi-ri-am và A-rôn, chị gái anh trai của Môi-se, chỉ trích Môi-se vì ông ta lấy một người phụ nữ da đen làm vợ, Hai người nói rằng: “Đức Giê-hô-va chỉ phán qua Môi-se thôi sao? Không phải Ngài cũng phán qua chúng ta nữa sao?” Và trong câu 3, Môi-se được miêu tả là người khiêm hòa hơn hết mọi người trên thế gian. Thay vì để ý và mất lòng vì những gì Mi-ri-am và A-rôn nói, Môi-se cầu nguyện và kêu cầu Đức Giê-hô-va tha thứ cho họ.

Kinh Thánh nói rằng Môi-se là người khiêm hòa hơn hết mọi người trên thế gian, hãy suy ngẫm kỹ hơn về điều này. Chúng ta không biết chắc được trong thời gian đó có bao nhiêu con người sống trên thế gian, nhưng ít nhất là vài triệu người, và Môi-se là người khiêm hòa hơn nhất thế giới! Một điều nữa rất đáng chú ý là Môi-se chính là tác giả của câu Kinh Thánh đó. Nhiều người nghĩ rằng nếu bạn thật sự khiêm hoà hay khiêm nhường, chính bạn cũng không nhận thức được điều ấy. Nhưng đó là một cảm tưởng sai lầm về sự kiêu ngạo hay tính ích kỉ. Sự kiêu ngạo không chỉ là cho mình là hơn người – sự kiêu ngạo là cho mình là tâm điểm của thế giới, là chỉ nghĩ đến bản thân. Sự kiêu ngạo là một cây gậy với hai đầu, một đầu là kiêu căng, ngạo mạn, còn đầu kia là tự ti. Đây là hai biểu hiện trái ngược nhau của một tính cách, nhưng là hai đầu của một chiếc gậy. Và chiếc gậy là tính ích kỉ. Nghĩ mình hơn người hay cảm thấy tự ti đều có nghĩa là bạn chỉ nghĩ về bản thân. Và mọi thứ đều được nhìn nhận qua ống kính đấy. Một người hay rụt rè, nhút nhát, hay bẽn lẽn, sợ hãi là một người rất tự cao vì luôn luôn nghĩ về bản thân mình.

Tóm lại, sự ích kỉ - luôn luôn nghĩ về bản thân mình là nguồn gốc của sự kiêu ngạo, và nếu chúng ta áp dụng định nghĩa này vào câu Châm Ngôn 13:10, Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều tranh cãi, câu Kinh Thánh này nói rằng sự ích kỉ, suy nghĩ rằng mình là tâm điểm của thế giới là lý do cho sự cáu giận chứ không phải vì những gì người khác làm. Bạn sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được những gì người khác làm. Và mục đích của đức tin không phải là để kiểm soát hành động của người khác mà là giúp bạn kiểm soát bản thân và giải quyết mâu thuẫn trong lòng mình để hành động của những người xung quanh không ảnh hưởng đến bạn nữa.

Khi Chúa Jêsus ở trên thập tự giá, Ngài nhìn đám người đang đóng đinh và hành hạ mình và cầu nguyện rằng, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” Chúa thay vì cố gắng điều khiển họ, Chúa kiểm soát chính bản thân mình. Sự ích kỉ chính là lý do tại sao chúng ta tức giận. Chúa Jêsus đến thế gian không phải vì lợi ích của bản thân, mà vì Ngài yêu thương thế gian đến nỗi Ngài xuống để cứu chúng ta. Trong lúc bị treo trên thập tự giá, Chúa nghĩ đến mẹ của mình và ra lệnh cho một trong những môn đồ của Ngài là hãy chăm sóc bà. Chúa Jêsus có khả năng tha thứ và yêu thương kể cả trong lúc bị phải chịu đòn roi đau đớn một cách bất công là vì Ngài không ích kỉ, không chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Sự ích kỉ trong lòng là điều khiến bạn trở nên tức giận, nhưng Kinh Thánh ra lệnh rằng bạn phải chết đi trong xác thịt. Nếu như tôi có một cái xác ở trước mặt, tôi có kể chửi nó, đánh nó, nhổ nước bọt vào mặt nó, hay lờ nó đi, và nếu nó là một cái xác thật, nó sẽ không phản ứng lại. Lý do mà bạn phản ứng cách mà bạn phản ứng với những gì diễn ra xung quanh không phải là vì những điều đó xảy ra mà bởi vì những gì ở trong lòng của bạn. Bạn sẽ không bao giờ đạt được đến một đức tin lớn lao đến mức bạn có thể loại bỏ mọi khó khăn và mọi thứ làm bạn không vừa lòng, nhưng bạn có thể kiểm soát bản thân mình. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ để Chúa Jêsus làm Chúa và làm chủ cuộc đời của bạn, và bạn sẽ yêu thương Ngài, yêu thương Nước của Chúa, và yêu thương con người hơn hết thảy bản thân mình. Bạn sẽ thấy là khi bạn làm điều đó và thay đổi tấm lòng mình, mâu thuẫn và tranh cãi trong cuộc sống sẽ bớt đi.

Một trong những bí quyết để áp dụng những gì Chúa đã làm trong cuộc sống của bạn là nhận thức được rằng Chúa không ban cho bạn nước của Ngài cho những nhu cầu ích kỉ. Chúa không chỉ giải cứu bạn để bạn có thể thoả mãn mọi nhu cầu trong cuộc sống. Bạn cần phải hiểu rằng ai mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm được mục đích thực sự của cuộc sống. Chỉ bằng cách yêu thương con người và Chúa hơn yêu thương bản thân mình, bạn mới có thể xoa dịu được sự giận dữ và những nỗi đau trong lòng mình.

Tôi cầu nguyện rằng ngày hôm nay Chúa sẽ sử dụng những gì tôi đã chia sẻ và giúp bạn nhận thức được rằng chính sự ích kỉ của bạn là lý do cho mọi nỗi đau. Thay vì đổ lỗi cho người khác, bạn cần phải chấp nhận trách nhiệm của mình, đối mặt với nó, hạ mình trước Chúa, và xin Ngài hãy đến và trở thành Đấng Chủ Tể trong cuộc sống của bạn. Đó là cách để bạn bước đi trong chiến thắng.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc Mác 9:33-34. Các môn đồ tranh cãi về điều gì trên đường đến thành Ca-bê-na-um?

Mác 9:33-34 [33] Đức Chúa Jêsus và các môn đồ đến thành Ca-bê-na-um. Khi đã vào trong nhà rồi, Ngài hỏi các môn đồ: “Lúc đi đường, các con bàn cãi với nhau việc gì vậy?” [34] Nhưng họ làm thinh, vì dọc đường họ đã cãi nhau xem ai là người cao trọng hơn hết.

  1. Điều này có phản ánh sự ích kỉ trong mỗi chúng ta?
  2. Hãy đọc Mác 9:35. Theo câu Kinh Thánh này, nếu ai muốn làm đầu thì họ phải làm gì?

Mác 9:35 Ngài ngồi xuống, gọi mười hai sứ đồ và nói: “Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm cuối và làm đầy tớ cho mọi người.”

  1. Hãy giải thích những gì Chúa Jêsus dạy trong Lu-ca 22:24-27.

Lu-ca 22:24-27 [24] Các môn đồ lại tranh biện với nhau xem ai trong họ sẽ là người lớn hơn hết. [25] Nhưng Ngài phán với họ: “Các vua dân ngoại lấy quyền mà cai trị, các bậc cầm quyền được gọi là người ban ơn thí phước. [26] Về phần các con thì đừng như vậy, nhưng ai lớn nhất trong các con phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai là người lãnh đạo phải như người phục vụ. [27] Vì giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai là người lớn hơn? Có phải là người ngồi ăn không? Nhưng Ta ở giữa các con như người phục vụ vậy.

  1. Hãy đọc Châm Ngôn 13:10. Điều gì gây ra sự tranh cãi và xung đột?

Châm Ngôn 13:10 Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều tranh cãi, còn sự khôn ngoan ở với người chịu nghe lời khuyên dạy.

  1. Hãy đọc Ga-la-ti 2:20. Chúng ta nên sống như thế nào?

Ga-la-ti 2:20 Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 7:12. Phương pháp để chữa bệnh ích kỉ là gì?

Ma-thi-ơ 7:12 Vậy thì, bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.

Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Mác 9:33-34. Các môn đồ của Chúa tranh cãi về điều gì trên đường đến thành Ca-bê-na-um?

Ai là người cao trọng hơn hết.

  1. Điều này có phản ánh sự ích kỉ trong mỗi chúng ta?

Có.

  1. Hãy đọc Mác 9:35. Theo câu Kinh Thánh này, nếu ai muốn làm đầu thì họ phải làm gì?

Làm đầy tớ cho mọi người.

  1. Hãy giải thích những gì Chúa Jêsus dạy trong Lu-ca 22:24-27.

Các môn đồi tranh biện với nhau xem ai trong họ sẽ là người lớn hơn hết trong vương quốc. Nhưng Chúa Jêsus phán với họ: Các vua dân ngoại lấy quyền mà cai trị, các bậc cầm quyền được gọi là người ban ơn thí phước.Về phần các con thì đừng như vậy, nhưng ai lớn nhất trong các con phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai người lãnh đạo phải như người phục vụ. Vì bình thường thì người lãnh đạo sẽ ngồi ăn và được người phục vụ phục vụ bữa ăn. Nhưng Ta ở giữa các con như người phục vụ vậy.

  1. Hãy đọc Châm Ngôn 13:10. Điều gì gây ra sự tranh cãi và xung đột?

Sự kiêu ngạo.

  1. Hãy đọc Ga-la-ti 2:20. Chúng ta nên sống như thế nào?

Sống trong đức tin nơi Đấng Christ, không phải dựa vào sức lực của bản thân.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 7:12. Phương pháp để chữa bệnh ích kỉ là gì?

Để Chúa làm trọng tâm trong mọi sự. Đối xử với người khác theo cách mình mong muốn được đối xử lại.