Chúng ta sẽ thảo luận tầm quan trọng của Hội Thánh của đấng Christ trong bài học hôm nay. Tôi muốn đọc câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 10:25 Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy. Trước khi chúng ta thảo luận tầm quan trọng của Hội Thánh, tôi muốn đặt ra một câu hỏi là “Vậy Hội Thánh là gì?”
Tôi đã có một lần mang chương trình Môn Đồ Hóa Truyền Giáo này tới một Hội Thánh ở Colorado Springs. Chúng tôi hướng dẫn các thành viên của Hội Thánh cách sử dụng và bắt đầu áp dụng ở ngoài Hội Thánh. Chỉ trong vòng sáu tuần, chúng tôi đã lập nên hai mươi nhóm nhỏ trong cộng đồng đó. Và trong những tháng tiếp theo, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nhóm nhỏ trong việc sử dụng chương trình này. Một hôm, mục sư của Hội Thánh hỏi tôi: “Anh biết không, Kinh Thánh dạy rằng mỗi ngày, Chúa thêm số người được cứu vào Hội Thánh. Nhưng tại sao những người đi đến nhóm nhỏ không đi đến nhà thờ?”
Khi chúng tôi đi ra ngoài, rất nhiều người được cứu và được học lời Chúa. Nhưng ý của vị mục sư này là: “Tại sao những người này không đến nhà thờ trong ngày Chủ Nhật để thờ phượng?” Khái niệm về Hội Thánh của tôi ngày đó cũng không được chính xác lắm. Và những gì vị mục sư chia sẻ với tôi làm tôi rất băn khoăn, và tôi không biết là mình phải làm gì tiếp. Tôi tự hỏi rằng: “Liệu chương trình Môn Đồ Hóa Truyền Giáo này thực sự có hiệu quả? Có thực sự là chương trình này đang thay đổi cuộc sống của người khác?” Tôi cũng băn khoăn tại sao mặc dù tấm lòng nhiều người được động chạm, họ không đến nhà thờ trong ngày Chủ Nhật.
Vì thế tôi quyết định nghiên cứu từ “Hội Thánh”. Và tôi muốn chia sẻ với bạn tất cả những gì tôi đã học được trong bài học này. Trong Rô-ma 16:5, I Cô-rinh-tô 16:19, Cô-lô-se 4:15, Phi-lê-môn 2, Công Vụ 5:42, và Công Vụ 20:20, Kinh Thánh chủ yếu nói về các Hội Thánh thời Tân Ước nhóm họp tại nhà các tín đồ. Hiện nay chúng ta có rất nhiều loại Hội Thánh khác nhau. Hội Thánh nhóm ở nhà, Hội Thánh nhỏ, Hội Thánh lớn và Hội Thánh rất lớn. Nhưng điều tôi phát hiện ra là các Hội Thánh thời Tân Ước đều là các nhóm nhỏ, và nhóm họp ở nhà các tín đồ.
Cuốn Từ Điển Giải Thích Các Từ Kinh Thánh của tác giả Lawrence O. Richards (trang 164) nói rằng, “Cũng không phải là quá khó hiểu khi chúng ta có một chút bối rối về ý nghĩa từ ‘Hội Thánh’ vì từ này được dùng trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Từ này chỉ đến một cấu trúc xây dựng cụ thể (ví dụ như nhà thờ trên phố số 4), một giáo phái hoặc một tổ chức đức tin (ví dụ như Nhà thờ Cải cách ở nước Mỹ, hay Nhà thờ Báp-tít), và cũng có nghĩa là việc thờ phượng ngày Chúa Nhật (ví dụ như có người hỏi hôm nay anh có đến Hội Thánh hay không). Nhưng những định nghĩa này hoàn toàn không có trong Kinh Thánh.” Và tôi tự nhủ rằng, Vậy định nghĩa thật sự là gì? Định nghĩa của từ “Hội Thánh” là gì? Cuốn Từ Điển giải thích tiếp, “Bởi vì nhiều người nghĩ về Hội Thánh là một toà nhà để thờ phượng thay vì một nhóm người họp lại và thờ phượng với nhau, nên định nghĩa của từ hay gây ra hiểu lầm.” Từ Hy Lạp cổ dùng cho “Hội Thánh” là ecclesia và có nghĩa là sự tập hợp một nhóm người với mục đích thờ phượng, hay cầu nguyện, hay cảm tạ, hay hướng về Chúa. Tôi muốn đọc thêm một vài đoạn nữa như sau, “Ecclesia trong Tân Ước có thể bao gồm bất kỳ số tín đồ nào.
Từ này được dùng trong ngữ cảnh một nhóm nhỏ gặp mặt tại nhà của các tín đồ (Rô-ma 16:5). Và từ này cũng được dùng trong ngữ cảnh tất cả các tín đồ sống trong một thành phố lớn (Công Vụ 11:22), hoặc một khu vực địa lý lớn, như Châu Á hay Ga-la-ti”. “Điển hình là sự họp nhóm tại nhà một tín đồ. Và khi gặp mặt, ‘mỗi người đều đóng góp: người thì có bài thánh ca, người thì có lời dạy dỗ, người thì có sự mặc khải, người thì có tiếng lạ, người thì có sự thông dịch tiếng lạ’ (I Cô-rinh-tô 14:26). Từng người chia sẻ, ‘còn những người khác thì cân nhắc điều họ nói “… và sự chia sẻ như vậy vẫn rất cần thiết cho sự tồn tại của Hội Thánh như một cộng đồng đức tin… Mỗi người đều phải đóng góp và phục vụ người khác bằng các ân tứ thuộc linh của mình.”
Hê-bơ-rơ 10:25 chép rằng, Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm. Hội Thánh là một tập hợp của những người đến với nhau với mục đích hướng đến Chúa Jêsus, ca ngợi Chúa, để nhận được và đi theo sự hướng dẫn từ Chúa. Mục đích chính của Hội Thánh Tân Ước ban đầu là để soi sáng, chỉ dẫn. Họ gặp nhau với mục đích xây dựng nhau trong đức tin.
Hội Thánh đầu tiên là một Hội Thánh truyền giáo. Các tín đồ đi khắp nơi chia sẻ đức tin của họ nơi Chúa Jêsus Christ, và vì thế, Chúa thêm người vào Hội Thánh – không phải vào nơi thờ phượng – mà vào hội những tín hữu của Ngài khi họ ăn năn và đặt lòng tin vào Chúa. Sau đó, họ nhóm lại để khuyến khích nhau, sử dụng các ân tứ thuộc linh, để phục vụ lẫn nhau, và thông công với nhau qua bữa ăn. Và sau đó, họ lại đi bốn phương rao giảng lời Chúa và toàn bộ chu kỳ được lặp lại. Họ đều tin vào Chúa Jêsus và đó là lý do họ nhóm lại với nhau. Họ không quan trọng việc nhóm lại ở nơi nào, trong một toà nhà hoặc nhà của một ai đó. Họ cũng không quan trọng nhóm lớn hay nhóm nhỏ
miễn là họ gặp nhau nhân danh Chúa với mục đích sử dụng các ân tứ thuộc linh, khích lệ, và thông công với nhau với kết quả cuối cùng là sự soi sáng, lớn lên, xây dựng lẫn nhau.
Tôi phát hiện ra rằng những gì chúng tôi làm với chương trình Môn Đồ Hóa Truyền Giáo qua Hội Thánh địa phương mà tôi đã đề cập trước đó, bằng cách hình thành hai mươi nhóm nhỏ khác nhau trong thành phố, chúng tôi đã hình thành hai mươi Hội Thánh khác nhau. Họ không giống như những Hội Thánh chúng ta biết đến ngày nay, nhưng chúng tôi đã họp lại như một Hội Thánh, hai mươi lần một tuần, bởi vì chúng tôi đã nhóm lại trong danh Chúa Jêsus để khích lệ nhau, để hướng đến Chúa, để được Lời Chúa soi dẫn, và để sử dụng các ân tứ thuộc linh Chúa ban cho mỗi người.
Bất kể bạn đến Hội Thánh nào – hệ phái hay phi hệ phái, nếu bạn đến một nhóm lớn hoặc một nhóm nhỏ - Kinh Thánh dạy rằng khi bạn thấy ngày của Chúa càng gần, và khi tội lỗi gia tăng, ân điển lại càng dư dật hơn. Ân điển sẽ càng ngày càng dư dật hơn trong cộng đồng của các con cái Chúa. Trong Hội Thánh nơi mà mỗi tín hữu có một phần trách nhiệm trong mục vụ của Chúa Jêsus Christ, họ có thể giảng dạy nhau, khuyên nhủ và khích lệ lẫn nhau khi bạn sử dụng các ân tứ thuộc linh.
Tất cả chúng ta sẽ gặt được lợi ích khi đến với các Hội Thánh như thế này. Ngay cả khi chỉ có hai hoặc ba người họp nhóm với nhau trong danh Chúa Jêsus, chúng ta vẫn nên thành lập thói quen gặp nhau thường xuyên. Thật là tốt lành khi chúng ta có một nơi để sử dụng các ân tứ thuộc linh, để khuyên nhủ và khích lệ lẫn nhau, để hướng về Chúa và cầu nguyện cho nhau. Còn rất nhiều điều chúng ta
có thể thảo luận khi nói về Hội Thánh. Chúng ta có thể thảo luận về các mục vụ, mục sư và ban lãnh đạo, nhưng đó không phải là mục đích của bài học hôm nay. Mục đích của bài học hôm nay là để chúng ta biết đến mục đích chính của Hội Thánh, và để biết rằng chúng ta không bị cô lập trong cuộc sống như một người lạc trên một hòn đảo. Chúng ta không thể tồn tại theo cách đó. Khi chúng ta nhận được sự cứu rỗi, Chúa đã đặt chúng ta vào một thân trong Đấng Christ – một thân thể bao gồm tất cả các tín đồ. Chúng ta cần nhau, và chúng ta cần phải họp lại trong tư cách là Hội Thánh của Chúa để khích lệ và phục vụ lẫn nhau với những ân tứ mà Chúa đã ban cho mỗi chúng ta. Tôi khuyến khích bạn hãy tăng cường gặp gỡ, giao lưu cùng các con cái khác của Chúa ngay ngày hôm nay.
Hê-bơ-rơ 10:25 Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.
Công Vụ 5:42 Hằng ngày, trong đền thờ hoặc từ nhà nầy sang nhà khác, các sứ đồ cứ tiếp tục dạy dỗ và rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ.
Công Vụ 2:42 Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.
Công Vụ 2:44-45 [44] Tất cả tín hữu đều hiệp lại với nhau và lấy mọi vật làm của chung. [45] Họ bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người.
I Cô-rinh-tô 12:28 Đức Chúa Trời đã sắp đặt trong Hội Thánh: thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là nhà tiên tri, thứ ba là giáo sư, kế đến là người làm phép lạ, rồi đến người được ân tứ chữa bệnh, người giúp đỡ, người quản trị, người nói các thứ tiếng lạ.
I Cô-rinh-tô 14:26 Thưa anh em, phải làm như thế nào đây? Khi anh em nhóm lại, người thì có bài thánh ca, người thì có lời dạy dỗ, người thì có sự mặc khải, người thì có tiếng lạ, người thì có sự thông dịch tiếng lạ. Hãy thực hiện tất cả để xây dựng Hội Thánh.
Công Vụ 6:1 Trong lúc đó, số môn đồ gia tăng; những người Do Thái nói tiếng Hi Lạp phàn nàn, trách móc người Do Thái nói tiếng A-ram, vì những góa phụ của họ đã bị bỏ bê trong việc cấp phát lương thực hằng ngày.
Gia-cơ 1:27 Sự tin đạo thuần khiết, không hoen ố trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng trẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn hoạn nạn của họ, và giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian.
I Ti-mô-thê 5:9-11 [9] Để được ghi tên vào sổ quả phụ, người đàn bà đó phải không dưới sáu mươi tuổi, chỉ có một đời chồng, [10] phải được tiếng khen về các việc nhân đức như nuôi dạy con cái, tiếp đãi khách lạ, rửa chân cho các thánh đồ, cứu giúp người hoạn nạn, và dấn thân làm mọi việc thiện. [11] Nhưng hãy từ chối ghi tên những quả phụ còn trẻ; vì khi nhục dục làm cho họ xa rời Đấng Christ thì họ muốn tái giá.
I Cô-rinh-tô 9:14 Nếu chúng tôi đã gieo những điều thiêng liêng giữa anh em, thì việc gặt được vật chất từ anh em là việc quá đáng sao?
Ma-thi-ơ 25:35-40 [35] Vì Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con tiếp rước Ta; [36] Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; Ta ốm đau, các con chăm sóc Ta; Ta bị tù, các con thăm viếng Ta.’ [37] Lúc ấy, những người công chính thưa với Ngài: ‘Lạy Chúa, có khi nào chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, hoặc khát mà cho uống đâu? [38] Có khi nào chúng con thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà mặc cho Ngài đâu? [39] Hay có khi nào chúng con thấy Chúa ốm đau hoặc bị tù mà thăm viếng Ngài đâu?’ [40] Vua sẽ trả lời rằng: ‘Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta.
Công Vụ 4:32-35 [32] Bấy giờ, cả cộng đồng tín hữu đều đồng tâm hiệp ý, không ai xem tài sản mình là của riêng nhưng kể mọi vật là của chung. [33] Các sứ đồ lấy quyền năng rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Chúa là Đức Chúa Jêsus, và Ngài đổ ân điển lớn lao trên mọi người. [34] Vì thế, không ai trong các tín hữu thiếu thốn, vì những người có ruộng đất hay nhà cửa đều bán đi, đem số tiền bán được [35] đặt dưới chân các sứ đồ; rồi tiền ấy được phân phát tùy theo nhu cầu của mỗi người.
Châm Ngôn 3:9-10 [9] Hãy lấy tài sản và hoa lợi đầu mùa của con mà tôn vinh Đức Giê-hô-va; [10] Như thế, nhà kho của con sẽ đầy lúa mì, và hầm ép rượu của con sẽ tràn rượu mới.
Sự nhóm lại.
Sai.
Goá phụ.
Thăm viếng trẻ mồ côi, người goá bụa trong cơn hoạn nạn.
Để được ghi tên vào sổ quả phụ, người đàn bà đó phải không dưới sáu mươi tuổi, chỉ có một đời chồng, phải được tiếng khen về các việc nhân đức như nuôi dạy con cái, tiếp đãi khách lạ, rửa chân cho các thánh đồ, cứu giúp người hoạn nạn, và dấn thân làm mọi việc thiện. Những quả phụ còn trẻ không được ghi tên.
Những ai dạy lời Chúa.
Đó là cách họ được dạy dỗ.