BÀI SỐ 1

DÒNG CHẢY SIÊU NHIÊN

BÀI HỌC

Tôi muốn chia sẻ với bạn một vài cách để Chúa có thể hành động qua bạn khi bạn chăm sóc người khác. Bạn có quyền năng và sự xức dầu của Chúa trong bạn, nhưng làm cách nào để bạn chia sẻ điều đó đây? Có một số câu Kinh Thánh chúng ta sẽ tìm hiểu. Trong Phi-lê-môn câu 6, Phao-lô cầu nguyện: Tôi cầu nguyện rằng sự chia sẻ đức tin của anh sẽ nâng cao sự hiểu biết về mọi điều tốt đẹp mà chúng ta có được trong Đấng Christ. Bước đầu tiên để sức mạnh và quyền năng của Chúa tuôn đổ qua bạn đến với người khác là hãy thừa nhận những gì tốt đẹp ở trong bạn. Bạn không thể cho đi những gì bạn không có, nhưng một khi bạn biết mình có những gì ở trong lòng, mọi thứ sẽ tự động chảy ra. Bạn sẽ bắt đầu chia sẻ với những người xung quanh đầy phấn khích những gì Chúa đã làm trong cuộc sống của bạn, và mọi người sẽ tự động được khích lệ.

Trong I Giăng 4:7-8 Kinh Thánh chép rằng, [7] Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời. [8] Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy tình yêu thương đối với người khác tuôn trào, đấy là Chúa đang tuôn chảy qua bạn. Trong bốn từ miêu tả “tình yêu thương” trong tiếng Hy Lạp, tình yêu agape, hình thức cao cả nhất: là tình yêu thương siêu nhiên của Chúa. Bạn cần nhận ra sự khác biệt giữa sự hấp dẫn hay ham muốn đối với ai đó và tình yêu siêu nhiên của Chúa. Khi bạn cảm thấy tình yêu thương của Chúa cho người khác tuôn trào ra từ trong lòng, nó là tình yêu không vị kỷ. Bạn có thể xác minh điều này bằng cách đọc I Cô-rinh-tô 13:4-8; câu Kinh Thánh này đưa ra những phẩm chất của tình yêu thương của Chúa. Tình yêu thương là không ghen tị, ích kỷ, không tự phụ, không dễ bị khiêu khích, v.v. Bạn cần phân tích khái niệm về tình yêu thương của mình và xem nó có giống với tình yêu thương của Chúa hay không - rằng nó không phải là ích kỷ - rằng bạn không yêu một người bởi vì những lợi ích người đó mang lại. Khi bạn tăng trưởng và bắt đầu để ý đến tình yêu thương của Chúa tuôn chảy qua mình, bạn có thể an tâm rằng đó là Chúa muốn hành động qua bạn. Khi bạn nhận ra tình yêu thương của Chúa tuôn chảy qua bạn cho một ai đó, bạn chỉ cần làm theo và chia sẻ với họ một lời khích lệ hoặc bằng một hành động nào đó.

Nhiều khi trong lúc cầu nguyện, tên một người nào đó sẽ xuất hiện trong tâm trí tôi, và tôi sẽ cảm thấy tình yêu thương của Chúa dành cho họ. Tôi không thể giải thích tại sao, nhưng tôi biết rằng đấy là điều siêu nhiên. Khi điều đó xảy ra, tôi sẽgọi điện cho họ, hoặc viết một lá thư, hay cố gắng liên lạc với họ bằng tất cả những cách có thể. Hầu như lần nào những người tôi liên lạc đều nói rằng, “Chúa quả là đang nói qua ông để động chạm tôi.” Bạn có biết bằng cách nào chuyện đó xảy ra không? Chuyện đó xảy ra bởi vì tôi cảm nhận thấy tình yêu thương của Chúa tuôn trào từ trong lòng. Khi tôi cảm nhận tình yêu thương của Chúa, tôi biết rằng đó là lúc Chúa đang hành động. Chúa là tình yêu thương, và khi tôi yêu thương người khác, đó là Chúa đang yêu thương họ qua tôi. Đây là cách mà Chúa Jêsus truyền giáo. Ma-thi-ơ 14:14 nói rằng, Vừa ra khỏi thuyền, Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì động lòng thương xót, và chữa lành cho những người bệnh. Quyền năng của Chúa thông qua Chúa Jêsus là tình yêu thương và sự cảm thông cho mọi người. Trong Ma-thi-ơ 8:2-3, [2] Kìa, có một người phong hủi đến quỳ trước mặt Ngài và thưa: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến con được sạch.” [3] Đức Chúa Jêsus đưa tay chạm đến người ấy, và phán: “Ta muốn, hãy sạch đi.” Lập tức, người phong hủi được sạch. Chúa thương người đàn ông bị bệnh phong và Ngài đặt tay lên ông để chữa lành. Khi đọc Kinh Thánh, bạn sẽ thấy sự biểu hiện của tấm lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa trong rất nhiều trường hợp. Nó không chỉ là một cảm xúc, mà là một sự đồng cảm tuôn chảy từ Chúa qua chúng ta.

Khi Chúa Jêsus ở trên thập tự giá, Chúa vẫn yêu thương những người ở xung quanh, đến mức mà Ngài cầu nguyện, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” Họ là những người đã đóng đinh Chúa, nhưng Ngài vẫn thương họ và cầu nguyện để Chúa Cha tha thứ cho họ. Chúng ta biết rằng khi ấy Chúa không ớn lạnh - không phải là Ngài không cảm nhận được điều gì đó, mà đó chính là sự lựa chọn của Ngài. Chúa Jêsus cảm nhận được tình yêu thương từ Chúa Cha và Ngài phóng thích nó cho tất cả mọi người. Tất cả những ai là người tin Chúa sẽ có Chúa sống ở trong họ. Theo I Giăng 4:8, Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và Ngài muốn bày tỏ tình yêu của Ngài qua bạn. Và để làm điều đó, Chúa sẽ ban cho bạn sự thương xót. Và bạn sẽ cảm thấy sự thương xót trong lòng mình cho những người xung quanh, và khi bạn cảm thấy nó, hãy hành động.

Bạn không cần phải làm một cái gì đó đặc biệt. Bạn không cần một ai đó bảo là: “Chúa phán rằng…” Nhưng nếu bạn cảm thấy sự cảm thương dành cho một ai đó, hãy đến và đặt tay lên vai họ và nói với họ: “Chúa yêu bạn và tôi cũng vậy.” Tôi nhớ có một lần, khi tôi bị mời ra khỏi một Hội Thánh, tôi cảm thấy được khích lệ khi có người chia sẻ với tôi câu nói đó. Nhiều người trong Hội Thánh nói nhiều điều không đúng về tôi, và một người thậm chí còn dọa giết tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy rất nản lòng và than thở với Chúa, “Chúa ơi tại sao con lại phải cố thế này? Không ai ở đây trân trọng những gì con đang cố làm và chia sẻ với họ.” Trong khi tôi đang chiến đấu với ma quỷ, một người bạn gọi điện cho tôi. Ông ấy hỏi thăm và tôi hỏi, “Sao hôm nay anh lại gọi cho tôi?” Và ông ấy đáp, “Tôi chỉ muốn gọi để nói với anh là tôi yêu quý anh. Trong lúc cầu nguyện, tôi cảm thấy tình yêu của Chúa cho anh. Và tôi muốn anh biết rằng tôi đánh giá cao anh.” Ông ấy chỉ nói thế và sau đó dập máy. Người bạn tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng Chúa vẫn sử dụng ông. Tôi biết chắc rằng Chúa đang bày tỏ tình yêu thương của Ngài qua người bạn tôi, và tôi được khích lệ để tiếp tục truyền giáo và cuộc gọi ngày hôm đó thay đổi cuộc đời tôi.

Chúng ta không cần phải lúc nào cũng chia sẻ một cái gì sâu sắc hay giảng một bài thật ấn tượng. Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và khi bạn cảm thấy tình yêu thương của Chúa tuôn chảy trong lòng, hãy hành động và làm theo. Hãy làm một việc gì đó, nói một câu gì đấy, và trở thành một ơn phước cho người khác. Chúa sẽ cho bạn lời để nói. Chúa sẽ sử dụng bạn, và Chúa sẽ giải phóng chúng ta khi chúng ta được động chạm với tình yêu thương và chia sẻ nó với những người xung quanh.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học

Chú ý: Trong bài học này, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào để giải phóng những gì Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta ra cho những người khác.

  1. Hãy đọc Phi-lê-môn 1:6. Bước đầu tiên trong việc cho phép quyền năng của Chúa tuôn chảy qua chúng ta là gì?

Phi-lê-môn 1:6 Tôi cầu nguyện rằng sự chia sẻ đức tin của anh sẽ nâng cao sự hiểu biết về mọi điều tốt đẹp mà chúng ta có được trong Đấng Christ.

  1. Hãy đọc I Giăng 4:7-8. Nguồn gốc thực sự của việc yêu thương người khác là gì?

I Giăng 4:7-8 [7] Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời. [8] Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.

  1. Andrew nói rằng, “Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy có sự tuôn tràn tình yêu trong bạn dành cho người khác, đấy là Chúa hành động qua bạn.” Câu nào trong I Giăng 4:7 chứng tỏ điều này?

I Giăng 4:7 Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời.

  1. Hãy đọc I Cô-rinh-tô 13:4-8. Đặc điểm của tình yêu thương của Chúa là gì?

I Cô-rinh-tô 13:4-8 [4] Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, [5] không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, [6] không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. [7] Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. [8] Tình yêu thương không bao giờ suy tàn. Các lời tiên tri sẽ hết, ân tứ nói tiếng lạ sẽ ngưng, sự hiểu biết sẽ chấm dứt.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 14:14. Chúa Jêsus cảm thấy như thế nào khi truyền giáo cho mọi người?

Ma-thi-ơ 14:14 Vừa ra khỏi thuyền, Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì cảm thương, và chữa lành cho những người bệnh.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 25:37-40. Khi chúng ta tiếp cận người khác trong tình yêu thương và sự cảm thông, trong thực tế, chúng ta đang yêu thương và chăm sóc ai?

Ma-thi-ơ 25:37-40 [37] Lúc ấy, những người công chính thưa với Ngài: ‘Lạy Chúa, có khi nào chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, hoặc khát mà cho uống đâu? [38] Có khi nào chúng con thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà mặc cho Ngài đâu? [39] Hay có khi nào chúng con thấy Chúa ốm đau hoặc bị tù mà thăm viếng Ngài đâu?’ [40] Vua sẽ trả lời rằng: ‘Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta’.

Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Phi-lê-môn 1:6. Bước đầu tiên trong việc cho phép quyền năng của Chúa tuôn chảy qua chúng ta là gì?

Nâng cao sự hiểu biết về mọi điều tốt đẹp mà chúng ta có được trong Đấng Christ.

  1. Hãy đọc I Giăng 4:7-8. Nguồn gốc thực sự của việc yêu thương người khác là gì?

Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương. (I Giăng 4:7-8)

  1. Andrew nói rằng, “Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy có sự tuôn tràn tình yêu trong bạn dành cho người khác, đấy là Chúa hành động qua bạn.” Phần nào trong I Giăng 4:7 chứng tỏ điều này?

Tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời (Ngài là nguồn)

  1. Hãy đọc I Cô-rinh-tô 13:4-8. Đặc điểm tình yêu thương của Chúa là gì?

[4] Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, [5] không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, [6] không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. [7] Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. [8] Tình yêu thương không bao giờ suy tàn. Các lời tiên tri sẽ hết, ân tứ nói tiếng lạ sẽ ngưng, sự hiểu biết sẽ chấm dứt.

  • Tình yêu thương là chậm giận và kiên nhẫn. Động từ “là” ở thì hiện tại có nghĩa rằng tình yêu thương thật sẽ tiếp tục biểu lộ như vậy.
  • Tình yêu thương là nhân từ. Được miêu tả rõ ràng trong Công Vụ. Động từ “là” ở thì hiện tại có nghĩa rằng tình yêu thương thật sẽ tiếp tục biểu lộ như vậy.
  • Tình yêu thương không ghen tỵ. Không bực bội, tức giận với cơ hội hay thành công của người khác.
  • Tình yêu thương không khoe mình. Không khoe khoang, kể lể, nói nhiều về bản thân.
  • Tình yêu thương không kiêu ngạo. Không thổi phồng, không tự mãn
  • Không cư xử trái lẽ. Không làm những việc vi phạm đạo đức. Không cư xử thô lỗ.
  • Không kiếm tư lợi. Không đặt mình làm trung tâm.
  • Không nhạy giận. Không dễ nổi nóng, mất bình tĩnh.
  • Không nuôi dưỡng điều dữ. Không nghĩ về những điều xấu. Không nhớ tới tội lỗi.
  • Không vui vì điều bất công, sai trật, những gì nghịch lại với Lời Chúa. Tình yêu thương vui mừng với lẽ thật.
  • Dung thứ mọi sự. Luôn luôn hỗ trợ. Không bao giờ từ bỏ.
  • Tin mọi sự. Tình yêu thương luôn tin cậy
  • Tình yêu thương không bao giờ suy tàn. Nó luôn được bảo tồn. Không bao giờ hư mất.
  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 14:14. Chúa Jêsus cảm thấy như thế nào khi truyền giáo cho mọi người?

Đức Chúa Jêsus cảm thương họ. Từ điển định nghĩa “cảm thương” là “có lòng thương xót, trắc ẩn”

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 25:37-40. Hãy đọc Ma-thi-ơ 25:37-40. Khi chúng ta tiếp cận người khác trong tình yêu thương và sự cảm thông, trong thực tế, chúng ta đang yêu thương và chăm sóc ai?

Chúa Jêsus. Hãy đọc trong Hê-bơ-rơ 6:10.