BÀI SỐ 5

BẢN CHẤT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

BÀI HỌC

Để có một mối quan hệ tích cực với Chúa, chúng ta cần hiểu rõ bản chất và thuộc tính của Ngài. Có phải Ngài đang tức giận vì tội lỗi của chúng ta, hay Ngài là một Đức Chúa Trời nhân từ muốn ban cho chúng ta sự sống và phước lành, không phụ thuộc vào thành tích của chúng ta? Kinh Thánh thực sự cho chúng ta hai quan điểm khác nhau về Đức Chúa Trời, không phải là Ngài đã từng thay đổi hay làm điều gì đó khác đi. Có một khoảng thời gian mà trong thuật ngữ được sử dụng trong Kinh Thánh, Chúa “dùng tội lỗi của nhân loại để chống lại họ.”

Điều này có thể được ví như ngày nay chúng ta nuôi con. Khi con chúng ta còn rất bé, chúng ta không thể giải thích lí lẽ với trẻ con để chúng hiểu được tại sao chúng nên ứng xử ngoan ngoãn hay tại sao chúng không nên lấy đồ chơi của bạn bè hay của anh chị em trong nhà. Người lớn phải ra luật và nếu con trẻ không vâng theo luật, phải bị nhắc nhở và kỉ luật. Luật lệ phải được chấp hành mặc dù chúng không hiểu hết về Chúa hay ma quỷ, hoặc khi tỏ ra ích kỉ thì chúng đang cho phép ma quỷ được hành động trên cuộc đời của chúng. Trẻ con có thể không hiểu được khái niệm này, nhưng chúng hiểu rằng nếu tiếp tục phạm luật, chúng sẽ bị phạt.

Theo một nghĩa nào đó, đó là những gì Chúa đã làm với Cựu Ước. Trước khi mọi người được tái sinh, họ không có được khái niệm thuộc linh như chúng ta trong thời Tân Ước, nên Ngài phải đưa ra luật pháp và thi hành chúng bằng hình phạt, đôi khi án phạt là sự chết, để ngăn họ khỏi tội lỗi. Bởi vì Sa-tan đã hủy hoại con người qua tội lỗi, nên phải có những hạn chế đối với tội lỗi và chúng phải được thi hành. Mặc dù điều này làm nhiều người nghĩ rằng Chúa không yêu thương chúng ta bởi chúng ta hay phạm tội, nhưng điều đó hoàn toàn không phải là những gì Kinh Thánh dạy. Rô-ma 5:13 chép rằng Vì tội lỗi đã có trong thế gian trước khi có luật pháp; nhưng khi chưa có luật pháp thì tội lỗi không được kể đến. “Trước khi có luật pháp” nói đến thời gian trước khi Chúa cho ông Môi-se Mười Điều Răn và các luật lệ khác về nghi lễ cho dân chúng người Do Thái. Trước thời kỳ đó, tội lỗi đã tồn tại ở trong thế gian nhưng con người không bị quy tội. Từ “kể đến” trong bản dịch tiếng Anh là từ “impute” và là một từ kế toán có nghĩa là “ghi vào hoá đơn.” Khi bạn đi mua một cái gì đó, khoản tiền sẽ được ghi vào hoá đơn và tiền sẽ bị trừ đi trong tài khoản ngân hàng của bạn, và món hàng đó được coi là của bạn. Nhưng nếu họ quên không ghi vào và không trừ tiền thì coi như bạn không phải chịu trách nhiệm trả cho món hàng đó.

Câu Kinh Thánh này muốn nói rằng, trước khi Chúa ban Mười Điều Răn thì tội lỗi không được dùng để chống lại con người. Đó quả là một điều tuyệt vời! Hãy nghiên cứu Sáng Thế Ký chương 3 và 4. Thông thường nhiều người nghĩ rằng khi A-đam và Ê-va phạm tội với Chúa, bởi vì Chúa là thiêng liêng, thánh sạch và con người là tội lỗi, Chúa không muốn có một mối liên quan nào đến con người nữa. Họ nghĩ rằng Chúa đuổi A-đam và Ê-va ra khỏi vườn Ê-đen vì một Đức Chúa Trời thánh khiết không thể sống chung với con người tội lỗi. Họ còn nghĩ rằng trừ khi con người có thể thanh tẩy bản thân bằng việc làm nhiều điều tốt, bằng không thì Chúa không thể có mối quan hệ với họ. Nhưng điều này là trái với những gì Chúa Jêsus dạy. Rô-ma 5:8 chép rằng: Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta. Tân Ước dạy rằng Chúa yêu thương bạn ngay cả khi bạn đang sống trong tội lỗi, chứ không phải là sau khi bạn đã ăn năn và thay đổi.

Một trong những chân lý của Phúc Âm mà sẽ thay đổi cuộc đời bạn là Chúa yêu thương bạn vô điều kiện. Chúa yêu bạn nhiều đến nỗi nếu như bạn chỉ cần nhận lấy tình yêu của Ngài, con người bạn sẽ tự động thay đổi. Sự thay đổi là kết quả của tình yêu của Chúa chứ không phải là dụng cụ để đoạt lấy tình yêu của Chúa.

Trong Sáng Thế Ký chương 4, ta có thể thấy rõ rằng Chúa vẫn muốn tương giao và trò chuyện với A-đam và Ê-va sau khi họ đã phạm tội. Cũng như thế, Chúa vẫn trò chuyện với Ca-in và A-bên, và khi họ đến dâng vật tế lễ, Chúa nói chuyện với họ trực tiếp bằng lời nói. Thông qua phản ứng của họ, chúng ta có thể thấy rằng hai anh em rất hay nghe thấy tiếng phán của Chúa, và họ không sợ sệt gì cả. Khi Ca-in ám sát A-bên và trở thành kẻ giết người đầu tiên trong lịch sử loài người, tiếng phán của Chúa từ trời vang xuống: “A-bên, em con ở đâu?” Ca- in đã nói dối Chúa, dường như không có bất kỳ sự hối hận nào. Điều này chỉ có thể xảy ra khi một người quá quen với việc nghe tiếng phán của Chúa và xem thường, không biết quý trọng Lời Chúa và không còn tôn trọng Chúa. Mặc dù những con người này là tội lỗi, Chúa vẫn tiếp tục trò chuyện và xây dựng một mối quan hệ với họ, chứ không từ bỏ họ như nhiều người thường nghĩ. Bởi vì luật pháp chưa được ban ra nên Chúa hoàn toàn không kể đến tội lỗi của họ. Nhưng bởi vì Chúa không kể đến tội lỗi của con người, thì có phải là Chúa khuyến khích con người phạm tội hay nghĩ rằng tội lỗi không phải là sai? Hoàn toàn không phải! Đó chính là lý do mà cuối cùng Chúa phải đưa ra luật pháp để hướng con người đến điều đúng đắn, đến với tiêu chuẩn đạo đức của Ngài. Chúa phải tìm cách để cho con người thấy rằng con người cần một Chúa Cứu Thế, và nếu họ biết hạ mình, họ sẽ nhận được sự tha thứ cho mọi tội lỗi như một món quà. Đáng buồn thay, tôn giáo đã thao túng và kiểm soát những điều này và dạy rằng luật pháp được ban hành để bạn có thể giữ nó và từ đó kiếm được sự tha thứ và chấp nhận của Chúa. Không phải! Mục đích của luật pháp Cựu Ước là để phóng to tội lỗi của con người đến mức mà con người nhận thức được rằng bằng sức lực của con người, không ai có thể tự cứu bản thân và phải nói rằng, “Chúa ơi, nếu đây là tiêu chuẩn thánh của Ngài thì con không thể nào vươn tới được. Xin hãy tha thứ và thương xót con!” Bản chất của Chúa luôn luôn và mãi mãi là tình yêu thương.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc Rô-ma 5:13. Hãy giải nghĩa từ “kể đến”?

Rô-ma 5:13 Vì tội lỗi đã có trong thế gian trước khi có luật pháp; nhưng khi chưa có luật pháp thì tội lỗi không được kể đến.

  1. Hãy đọc Rô-ma 7:7. Mục đích của Chúa đưa ra Luật Pháp là để làm gì?

Rô-ma 7:7 Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Luật pháp là tội lỗi sao? Chẳng hề như vậy! Nhưng nếu không nhờ luật pháp thì tôi không biết đến tội lỗi. Nếu luật pháp không nói: “Ngươi chớ tham lam” thì tôi đã không biết tham lam là gì.

  1. Hãy đọc Ga-la-ti 3:24. Theo câu Kinh Thánh này, mục đích của luật pháp là gì?

Ga-la-ti 3:24 Như thế, luật pháp là người hướng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, để bởi đức tin chúng ta được xưng công chính.

  1. Hãy đọc Giăng 8:1-11. Chúa Jêsus đối xử với người phụ nữ ngoại tình như thế nào?

Giăng 8:1-11 [1] Còn Đức Chúa Jêsus lên núi Ô-liu. [2] Đến tảng sáng, Ngài trở lại đền thờ. Cả đoàn dân đều đến với Ngài; Ngài ngồi xuống giảng dạy cho họ. [3] Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đem một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình, để người nầy đứng ở giữa [4] và nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang đang ngoại tình. [5] Trong luật pháp, Môi-se truyền cho chúng ta phải ném đá những người như vậy. Còn Thầy thì nói thế nào?”

[6] Họ nói như thế để thử Ngài, nhằm có cớ tố cáo Ngài. Đức Chúa Jêsus cúi xuống, dùng ngón tay viết trên đất. [7] Vì họ cứ hỏi mãi nên Ngài ngước lên và nói: “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi.” [8] Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. [9] Khi họ nghe điều nầy thì lần lượt bỏ đi, những người cao tuổi đi trước. Đức Chúa Jêsus ở lại một mình với người phụ nữ vẫn đang đứng giữa đó. [10] Đức Chúa Jêsus ngước lên nói với người phụ nữ: “Nầy chị kia, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao?” [11] Người phụ nữ đáp: “Thưa Chúa, không ai cả.” Đức Chúa Jêsus phán: “Ta cũng không kết án chị đâu; hãy đi, đừng phạm tội nữa.”

  1. Có phải những lời nói và hành động của Chúa Jêsus phản ánh đúng bản chất của Đức Chúa Trời? Hãy đọc Giăng 3:34.

Giăng 3:34 Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không giới hạn.

  1. Hãy đọc I Giăng 4:8. Theo câu Kinh Thánh này, bản chất thực của Chúa là gì?

I Giăng 4:8 Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:6. Tình yêu thương của Chúa được bày tỏ cho chúng ta kể cả khi chúng ta như thế nào?

Rô-ma 5:6 Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:8. Chúa yêu thương chúng ta kể cả khi chúng ta còn là gì?

Rô-ma 5:8 Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:10. Chúa yêu thương chúng ta kể cả khi chúng ta còn là gì?

Rô-ma 5:10 nếu khi chúng ta là kẻ thù nghịch mà nhờ sự chết của Con Ngài, chúng ta còn được hòa giải với Đức Chúa Trời thì huống chi nay đã được hòa giải rồi, chúng ta lại càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là dường nào.

  1. Nếu bạn cầu xin Chúa Jêsus Christ tha thứ cho bạn và là Cứu Chúa và Chúa của bạn, tin rằng Chúa Jêsus hy sinh để trả giá cho tội lỗi của bạn, thì Chúa có cho bạn thấy bản chất thực sự của lòng thương xót và ân điển của Ngài không?
Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Rô-ma 5:13. Hãy giải nghĩa từ “kể đến”?

Tính đến.

  1. Hãy đọc Rô-ma 7:7. Mục đích của Chúa đưa ra luật pháp là để làm gì?

Để làm cho tội lỗi được biết tới, bị phơi bày ra.

  1. Hãy đọc Ga-la-ti 3:24. Theo câu Kinh Thánh này, mục đích của luật pháp là gì?

Hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Jêsus.

  1. Hãy đọc Giăng 8:1-11. Chúa Jêsus đối xử với người phụ nữ ngoại tình như thế nào?

Bằng ân điển và sự nhân từ.

  1. Có phải những lời nói và hành động của Chúa Jêsus phản ánh đúng bản chất của Đức Chúa Trời?

Có!

  1. Hãy đọc I Giăng 4:8. Theo câu Kinh Thánh này, bản chất thực của Chúa là gì?

Tình yêu thương.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:6. Tình yêu thương của Chúa được bày tỏ cho chúng ta kể cả khi chúng ta như thế nào?

Còn yếu đuối.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:8. Chúa yêu thương chúng ta kể cả khi chúng ta còn là gì?

Là tội nhân.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:10. Chúa yêu thương chúng ta kể cả khi chúng ta còn là gì?

Kẻ thù nghịch.

  1. Nếu bạn cầu xin Chúa Jêsus Christ tha thứ cho bạn và là Cứu Chúa và Chúa của bạn, tin vào sự hy sinh của Chúa Jêsus như là sự trả giá cho tội lỗi của bạn, thì Chúa có cho bạn thấy bản chất thực sự của lòng thương xót và ân điển của Ngài không?

Có!