BÀI SỐ 3

ĐỔI MỚI TÂM TRÍ

BÀI HỌC

Hôm nay, hãy cùng nhau học về khái niệm đổi mới tâm trí. Tôi muốn trích dẫn hai câu Kinh Thánh. Câu thứ nhất là Phi-líp 3:8, Cuối cùng, thưa anh em, hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến. Sứ đồ Phao-lô đã cho chúng ta một danh sách những điều mà chúng ta nên nghĩ về. Hay nói một cách khác, chúng ta có khả năng chọn lựa ý nghĩ của mình. Tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đều có những ý nghĩ trái ngược với lời Chúa, theo như Rô-ma 7:22-23. Luật của tội lỗi giao chiến với tâm trí của chúng ta. Nhưng Kinh Thánh nói trong Phi-líp rằng chúng ta không phải ngồi một chỗ và để các ý nghĩ xấu làm tổ trong đầu mình, mà chúng ta có khả năng chọn lọc những ý nghĩ. Kinh Thánh cũng dạy rằng điều một người nghĩ trong lòng chính là con người họ (Châm Ngôn 23:7). Những gì chúng ta chú tâm tới hàng ngày là vô cùng quan trọng.

Trong Rô-ma 12:1-2, Kinh Thánh dạy, [1] Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. [2] Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng chúng ta có thể được biến hoá bởi sự đổi mới của tâm trí mình. Bạn có biết rằng khi tàu vũ trụ Apollo trên đường đến mặt trăng, cứ mười phút một, các phi công phải điều chỉnh lại hướng đi của tàu? Đường đến mặt

trăng của họ không phải là đường thẳng mà là đường dích dắc. Và khi hạ cánh, họ có một bãi đáp với chu vi 500 dặm và chỗ con tầu hạ cánh chỉ cách ranh giới đó có vài dặm. Mặc dù họ phải điều chỉnh hướng đi, và suýt nhỡ bãi đáp, chuyến bay được coi là thành công. Cũng như vậy, chúng ta cần phải có một hướng đi và cam kết hoàn toàn làm sinh tế sống cho Chúa Jêsus Christ. Nhưng vấn đề là nhiều khi sinh tế sống chỉ muốn chạy khỏi bàn thờ, cho nên chúng ta cần phải điều chỉnh cách suy nghĩ của mình. Chúng ta cần có một tấm lòng khát khao rằng: “Chúa ơi con muốn Ngài và muốn làm theo cách của Ngài.”

Không những chúng ta cần phải cam kết hoàn toàn, bước thứ hai của đời sống Cơ Đốc đắc thắng là được biến hoá bằng sự đổi mới của tâm trí mình. Nếu chúng ta không muốn bông trái của thế gian, chúng ta không thể suy nghĩ theo cách của thế gian. Như chúng ta đã đọc trong Phi-líp 4:8, chúng ta có thể chọn lọc ý nghĩ. Nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến. Trong thời Cựu Ước, người dân thường khắc lời Chúa lên cột nhà, hay thêu lên trên quần áo của họ để lời Chúa luôn luôn ở trước mặt họ. Và Chúa cũng dạy rằng họ phải luôn luôn suy ngẫm về lời Chúa ngày đêm, để sau đó họ có thể làm theo những gì lời Chúa dạy. Họ cũng được ra lệnh phải dạy dỗ và chỉ bảo con cái của họ về lời Chúa. Những gì chúng ta để tâm, suy nghĩ đến là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần phải để lời Chúa trước mắt mình luôn luôn để chúng ta có được một đời sống đắc thắng.

Điều trái ngược của việc nghĩ đến những điều đức hạnh và đáng khen ngợi là không nghĩ đến Chúa và những gì đức Thánh Linh dạy bảo. Rô-ma 8:6 chép rằng, Chú tâm vào xác thịt sinh ra sự chết, còn chú tâm vào Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an. Để có được sự sống và sự bình an, chúng ta cần phải chú tâm vào Thánh Linh. Nếu chúng ta chú tâm vào thú vui của thế gian như tình ái, tiền bạc, tham lam, đố kỵ, v.v. thì bạn có biết hậu quả là gì không? Điều một người nghĩ trong lòng chính là con người họ. Chúng ta sẽ bắt đầu hành động theo những suy nghĩ đó. Chúng ta sẽ gặt bông trái của những hành động đó và sẽ tự huỷ hoại cuộc sống của mình. Cuộc chiến thuộc linh không chỉ đơn thuần là kháng cự ma quỷ, mặc dù có những lúc chúng ta cần phải làm điều đó. Cuộc chiến thuộc linh là ở trong tâm trí chúng ta.

Trong Ê-sai 26:3, Kinh Thánh dạy rằng Người nào để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn. Có những giây phút trong ngày mà chúng ta cần phải điều chỉnh phương hướng, như trong Rô-ma 12 đã dạy. Chúng ta cần thưa với Chúa rằng, “Thưa Cha, những ý nghĩ này của con là sai. Con sẽ không để tâm đến chúng nữa và thay vào đó sẽ làm mới tâm trí của mình bằng cách tập trung vào những gì đáng yêu chuộng, công chính và đáng khen ngợi.”

Vậy nên nếu như bạn bị giam cầm trong một đồn lũy tâm trí nào đó, nếu như bạn nhận thấy được bản thân suy nghĩ về một điều xấu; Gia-cơ 4:7-8 dạy rằng, [7] Vậy, hãy thuận phục Đức Chúa Trời. Hãy kháng cự ma quỷ thì nó sẽ chạy trốn anh em. [8] Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em. Bản thân tôi cũng có nhiều lần để các ý nghĩ tự do vùng vẫy trong đầu mình, và rồi sự trầm cảm xuất hiện. Trong những lúc như vậy, thực sự rất khó khăn để mở Kinh Thánh ra đọc và công bố rằng, “Cha ơi, đây là những điều Ngài công bố về con. Đây là những gì Ngài công bố về danh tính của con. Chúa là sức mạnh của đời con”. Nhưng bạn có biết rằng dành được chiến thắng chỉ đơn giản là như vậy? Bạn cần phải nói với bản thân mình rằng, “Bây giờ tôi sẽ kháng cự lại những gì kẻ thù đã gieo vào đầu tôi. Tôi sẽ mở Kinh Thánh ra và để tâm trí mình tập trung vào Chúa. Và Chúa ơi, đây là những gì Chúa đã công bố về con. Ngài nói rằng con đã được tha thứ. Ngài nói rằng con đã được sạch. Ngài nói rằng không có gì có thể chia cách được tình yêu của Chúa với con”. Khi bạn tập trung vào những điều tốt lành mà Chúa đã làm trên đời sống của bạn, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ quên đi những ý nghĩ không tốt ban đầu.

Tôi muốn đưa một ví dụ minh hoạ. Có một lần trong buổi nhóm, người trưởng nhóm yêu cầu nhóm của chúng tôi: “Trong mười phút tới, tôi muốn mọi người không nghĩ về những con voi màu hồng.” Bạn có đoán được điều gì xảy ra không? Trong mười phút đó, tất cả chúng tôi chỉ nghĩ về con voi hồng. Sau đó người trưởng nhóm hỏi: “Tượng Nữ thần Tự do có màu gì?” Một người trả lời màu xanh. Người trưởng nhóm lại hỏi: “Thế tượng Nữ thần Tự do giơ tay nào lên?” Một người trả lời là tay phải. Câu hỏi tiếp theo của người trưởng nhóm là: “Tượng Nữ thần Tự Do giơ gì lên trời?” Một người trả lời là ngọn đuốc. Lúc này, người trưởng nhóm hỏi: “Vậy còn ai đang nghĩ đến voi màu hồng nữa không?” Không một ai cả! Bạn có thấy không, nếu chúng ta chỉ nói rằng: “Đừng nghĩ về việc abc” chúng ta sẽ ngay lập tức nghĩ về điều đấy. Kinh Thánh dạy rằng chúng ta cần phải thay thế những ý nghĩ đó với những ý nghĩ của Chúa. Và khi chúng ta nhận thấy là mình đang nghĩ về những điều trái với lời Chúa, chúng ta cần phải ngay lập tức nhớ lại danh tính mới của mình trong Chúa. Chúng ta cần phải đến với Ngài ngay lập tức, và không phải chỉ với từ ngữ trên trang giấy, mà đến với con người của Ngài đằng sau những từ ngữ ấy. Và Kinh Thánh dạy trong Rô-ma 8:6 rằng nếu chúng ta làm theo quy luật này, chúng ta sẽ được biến đổi trong sự sống và sự bình an của Chúa, khi tâm trí của chúng ta chú tâm đến Chúa và những việc thuộc Thánh Linh. Hãy suy nghĩ về những điều này, và bước đi trong sự tự do mà Chúa Jêsus đã mua chuộc cho bạn.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc Rô-ma 12:1. Chúng ta phải làm gì với thân thể của mình?

Rô-ma 12:1 Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.

  1. Hãy đọc Rô-ma 12:2. Câu Kinh Thánh này kêu gọi chúng ta hãy khác biệt với...?

Rô-ma 12:2 Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.

  1. Hãy đọc Công Vụ 17:11. Chúng ta phải suy nghĩ theo?

Công Vụ 17:11 Những người Do Thái ở đây có tinh thần cởi mở hơn những người ở Tê-sa-lô-ni-ca; họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không.

  1. Hãy đọc Rô-ma 8:5-6. Chú tâm vào Thánh Linh sinh ra...?

Rô-ma 8:5-6 [5] Thật thế, những ai sống theo xác thịt thì chú tâm vào những việc thuộc xác thịt; còn những ai sống theo Thánh Linh thì chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh. [6] Chú tâm vào xác thịt sinh ra sự chết, còn chú tâm vào Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an;

  1. Hãy đọc Rô-ma 12:1-2. Chúng ta cần phải làm hai điều gì theo câu

Kinh Thánh này?

Rô-ma 12:1-2 [1] Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. [2] Đừng khuôn rập theo đời này, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.

  1. Hãy đọc Ê-sai 26:3. Bằng cách nào chúng ta có thể gìn giữ trong sự bình an trọn vẹn?

Ê-sai 26:3 Người nào để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn.

  1. Hãy đọc Ê-sai 26:3. Bằng những cách nào chúng ta có thể để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa?
Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Rô-ma 12:1. Chúng ta phải làm gì với thân thể của mình?

Dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng

Đức Chúa Trời.

  1. Hãy đọc Rô-ma 12:2. Câu Kinh Thánh này kêu gọi chúng ta hãy khác biệt với...?

Thế gian, hay những người không tin Chúa.

  1. Hãy đọc Công Vụ 17:11. Chúng ta phải suy nghĩ theo?

Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời.

  1. Hãy đọc Rô-ma 8:5-6. Chú tâm vào Thánh Linh sinh ra...?

Sự sống và bình an.

  1. Hãy đọc Rô-ma 12:1-2. Chúng ta cần phải làm hai điều gì theo câu

Kinh Thánh này?

Dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời và bắt đầu đổi mới của tâm trí mình.

  1. Hãy đọc Ê-sai 26:3. Bằng cách nào chúng ta có thể gìn giữ trong sự bình an trọn vẹn?

Để tâm trí vào Chúa.

  1. Hãy đọc Ê-sai 26:3. Bằng những cách nào chúng ta có thể để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa?
  • Cầu nguyện.
  • Ngợi khen.
  • Suy ngẫm Lời Chúa.
  • Tạ ơn Chúa.