BÀI SỐ 7

SỰ CHỮA LÀNH ĐÃ CÓ TRONG SỰ CỨU CHUỘC

BÀI HỌC

Bài học ngày hôm nay nói về sự chữa lành và vì sao sự chữa là một phần của những gì mà Chúa Jêsus đã cứu chuộc cho chúng ta. Trong Mác 2 và Lu-ca 5, Chúa Jêsus đang giảng dạy tại một ngôi nhà đông đúc đến nỗi mà một người đàn ông bị liệt đã được bạn bè hạ xuống từ mái nhà để đến được nơi Chúa đang ngồi, và Chúa Jêsus đã chữa lành cho anh ta một cách kì diệu. Trong Ma-thi-ơ 8:14-16, sau khi Chúa Jêsus chữa lành cho mọi người, Kinh Thánh có chép rằng, [14] Kế đó, Đức Chúa Jêsus vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia ông bị sốt, nằm trên giường. [15] Ngài chạm vào tay bà, cơn sốt lìa khỏi bà; rồi bà đứng dậy phục vụ Ngài. [16] Tối đến, người ta đem đến cùng Ngài nhiều người bị quỷ ám; Ngài dùng lời phán đuổi quỷ ra và chữa lành mọi người bệnh tật. Và sau đó câu 17 đưa ra lý do cho điều này xảy ra: Như vậy, lời của nhà tiên tri Ê-sai: “Chính Ngài đã mang lấy tật nguyền của chúng ta, Và gánh lấy mọi bệnh hoạn của chúng ta,” đã được ứng nghiệm. Đến giờ phút này, Chúa Jêsus đã chữa lành cho rất nhiều người, và Kinh Thánh đã đề cập đến và trích dẫn từ Ê-sai 53:3-5, Người đã bị người ta khinh rẻ và chối bỏ [đây là một lời tiên tri về Chúa Jêsus], Từng trải sự đau khổ, biết sự đau ốm, Bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; Chúng ta cũng chẳng coi Người ra gì. [4] Thật, Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, Đã gánh nỗi đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại nghĩ rằng Người đã bị Đức Chúa Trời đánh đập, Và làm cho khốn khổ. [5] Nhưng Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, Vì gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an, Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh [trong ngoặc là diễn ý của tôi].

Đây là những đoạn Kinh Thánh đầy quyền năng. Nhiều người nghĩ rằng: “Đợi đã, đoạn này chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh.” Trong Hội Thánh mà tôi đã lớn lên, họ không tin vào sự chữa lành thể xác. Họ sẽ đọc một câu Kinh Thánh như thế này và tâm linh hoá nó – sử dụng nó để nói rằng chúng ta đã bị tổn thương về mặt cảm xúc, và bằng việc dâng hiến cuộc đời cho Chúa, Ngài chữa lành cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta đặt đoạn Kinh Thánh này bên cạnh những đoạn Kinh Thánh ở trên khi ta mới bắt đầu bài học, nó sẽ hoàn toàn huỷ bỏ điều mà Hội Thánh đó đã áp dụng. Đúng là Chúa Jêsus sẽ chữa lành cho bạn về mặt cảm xúc và nhiều mặt khác nữa, nhưng những câu Kinh Thánh này đang nói về sự chữa lành thể xác. Bạn có thể thấy rõ điều đó bởi vì trong Ma-thi-ơ 8:17, Kinh Thánh nói rằng những sự chữa lành này của Chúa Jêsus là sự ứng nghiệm của lời tiên tri mà tiên tri Ê-sai đã công bố, Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh. Đây là sự ứng nghiệm rằng Chúa Jêsus đã mang sự đau ốm và gánh sự đau đớn của chúng ta. Câu Kinh Thánh này nói về bệnh tật và sự đau đớn của thể xác. Chúa Jêsus chữa lành con người về mặt thể xác để thoả mãn lời tiên tri rằng chúng ta được lành bệnh bởi lằn roi Ngài mang.

Kinh Thánh chép trong I Phi-e-rơ 2:24, Ngài mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính; nhờ những vết thương của Ngài mà anh em được chữa lành. Đây là thì quá khứ. Chúa Jêsus đã đến, và một phần của những gì Ngài đến để thực hiện là chữa lành thân thể cho bạn. Tôi không đang làm giảm sự quan trọng của sự thật rằng Ngài đến để tha thứ cho tội lỗi của bạn. Điều này là vô cùng quan trọng, vì sự tha thứ tội lỗi đó như là một cánh cửa, một lối vào cho mọi ơn phước khác. Nhưng Ngài không chỉ đến để tha thứ tội lỗi của bạn, mà Ngài còn đến để chữa lành cơ thể cho bạn. Trong tiếng Hy Lạp, từ được sử dụng cho từ “cứu rỗi” trong Tân Ước là từ sozo, một từ bao hàm nhiều ý nghĩa, được áp dụng cho rất nhiều thứ. Nếu bạn tra cứu từ sozo này, nó cũng được dịch nghĩa là “được chữa lành.” Gia-cơ 5:14-15 nói rằng, [14] Có ai trong anh em đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến; họ sẽ nhân danh Chúa cầu nguyện và xức dầu cho người bệnh. [15] Lời cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu chữa người bệnh. Từ “cứu chữa” ở đây trong tiếng Hy Lạp là từ sozo, và đang nói về người bệnh được chữa lành về thể xác. Chính từ sozo này mà đã được dịch là “sự tha thứ tội lỗi” hàng trăm lần trong Tân Ước cũng được dịch là “được chữa lành”.

Khi Chúa Jêsus sai phái các môn đồ của Ngài trong Ma-thi-ơ chương 10, mệnh lệnh mà Ngài ban cho họ là hãy đi chữa lành người đau yếu, khiến người chết sống lại, làm sạch người phong hủi, đuổi quỷ và giảng Phúc Âm. Trong cùng một mệnh lệnh Ngài vừa sai phái họ phải rao giảng Phúc Âm, Ngài còn bảo họ phải chữa lành bệnh tật, làm sạch những người phong hủi và đuổi quỷ. Sự chữa lành là một trong những phần tất yếu của những gì Chúa Jêsus đã đến để hoàn thành trong cuộc sống của bạn, cùng với sự tha thứ tội lỗi.

Cũng như việc chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng Chúa muốn bạn phạm tội để dạy cho bạn một bài học nào đấy qua tội lỗi của mình, Ngài sẽ không bao giờ muốn bạn sống trong bệnh tật. Chúa không phải là tác giả của bệnh tật xuất hiện trong cuộc đời bạn. Thi thoảng mọi người hay nói rằng: “Chà, bệnh này thực sự là một phước lành từ Chúa vì nó đã thôi thúc tôi đến với Ngài.” Đúng là trong những tình huống khủng hoảng, mọi người hay đến với Chúa, nhưng Ngài không phải là người gây ra bệnh tật để dạy bạn một bài học. Cũng như Ngài sẽ không bao giờ khiến cho bạn phải phạm tội, Ngài sẽ không bao giờ tạo ra bệnh tật. Liệu bạn có thể học được một điều gì đó nếu bạn sống trong tội lỗi? Nếu bạn ngoại tình hoặc đồng tính luyến ái và mắc các bệnh về tình dục, liệu bạn có thể nhận ra rằng lối sống đó là sai? Chắc chắn là bạn có thể, nhưng Chúa không phải là Người hối thúc hay bắt bạn phải sống theo lối sống đó. Ngài không gây ra tội lỗi trong cuộc sống của bạn, nhưng bạn vẫn có thể học hỏi từ tội lỗi đang diễn ra xung quanh. Bạn có thể đập đầu vào tường và nhận ra rằng mình không nên làm như thế nữa, nhưng bạn cũng có thể học được điều đó mà không cần tự đập đầu vào tường. Bạn không cần phải học hỏi mọi thứ bằng việc tự trải nghiệm. Chúa không tạo ra bệnh tật trong cuộc sống để bạn hạ mình và dạy cho bạn điều gì đó. Chúa Jêsus đã chết để tha thứ cho bạn về tội lỗi và cũng để chữa lành mọi bệnh tật cho bạn. Ngài mang tội lỗi của bạn trong thân thể Ngài, và nhờ lằn roi Ngài mang, bạn được chữa lành.

Sự chữa lành kì diệu của Chúa là có sẵn cho tất cả chúng ta, và là một phần của sự chuộc tội mà Chúa Jêsus đã chết để đạt được. Kể cả nếu bạn chưa nhận được sự chữa lành, không phải là Chúa đang buồn lòng với bạn. Bạn không cần phải được chữa lành để yêu Chúa. Bạn vẫn có thể yêu Chúa bằng cả trái tim, không tin vào sự chữa lành, và vẫn có thể lên thiên đàng. Trên thực tế, bạn sẽ lên thiên đàng nhanh hơn nếu bạn không biết cách sống trong sự chữa lành. Nhưng bạn biết không, sự chữa lành là có sẵn cho bạn. Chúa Jêsus phải chết đi để đạt được. Chúa muốn bạn được khỏe mạnh.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 8:16-17. Chúa Jêsus đã chữa lành bao nhiêu người?

Ma-thi-ơ 8:16-17 [16] Tối đến, người ta đem đến cùng Ngài nhiều người bị quỷ ám; Ngài dùng lời phán đuổi quỷ ra và chữa lành mọi người bệnh tật. [17] Như vậy, lời của nhà tiên tri Ê-sai: “Chính Ngài đã mang lấy tật nguyền của chúng ta, Và gánh lấy mọi bệnh hoạn của chúng ta,” đã được ứng nghiệm.

  1. Hãy đọc Ê-sai 53:3-5. Những câu Kinh Thánh này nói về những sự chữa lành nào?

Ê-sai 53:3-5 [3] Người đã bị người ta khinh rẻ và chối bỏ,Từng trải sự đau khổ, biết sự đau ốm, Bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; Chúng ta cũng chẳng coi Người ra gì. [4] Thật, Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, Đã gánh nỗi đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại nghĩ rằng Người đã bị Đức Chúa Trời đánh đập, Và làm cho khốn khổ. [5] Nhưng Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, Vì gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an, Bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 8:17. Điều gì đã xảy ra với bệnh tật và sự đau đớn của chúng ta?

Ma-thi-ơ 8:17 Như vậy, lời của nhà tiên tri Ê-sai: “Chính Ngài đã mang lấy tật nguyền của chúng ta, Và gánh lấy mọi bệnh hoạn của chúng ta,” đã được ứng nghiệm.

  1. Hãy đọc I Phi-e-rơ 2:24. Câu Kinh Thánh này đã nêu lên hai điều gì mà Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta?

I Phi-e-rơ 2:24 Ngài mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính; nhờ những vết thương của Ngài mà anh em được chữa lành.

  1. Hãy đọc Gia-cơ 5:14-15. Từ “cứu chữa” trong câu 15 là từ sozo trong tiếng Hy Lạp, và được dịch là “cung cấp, bảo vệ, chữa lành, bảo tồn, trở nên trọn vẹn.” Đây cũng chính là từ mà Kinh Thánh gọi là “sự cứu rỗi.” Theo những câu Kinh Thánh này và định nghĩa tiếng Hy Lạp về “sự cứu rỗi”, những gì đã được bao gồm trong sự cứu rỗi này?

Gia-cơ 5:14-15 [14] Có ai trong anh em đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến; họ sẽ nhân danh Chúa cầu nguyện và xức dầu cho người bệnh. [15] Lời cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu chữa người bệnh.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 10:7. Khi Chúa Jêsus sai phái các môn đồ, Ngài đã bảo họ phải nói gì?

Ma-thi-ơ 10:7 Khi đi đường, hãy rao giảng rằng: ‘Vương quốc thiên đàng đã đến gần.’

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 10:8. Chúa Jêsus sai phái họ làm những điều gì?

Ma-thi-ơ 10:8 Hãy chữa lành người đau yếu, khiến người chết sống lại, làm sạch người phong hủi, và đuổi quỷ. Các con đã nhận không, thì hãy cho không.

  1. Hãy đọc Mác 16:15. Chúa Jêsus đã bảo các môn độ của Ngài làm

gì?

Mác 16:15-18 [15] Ngài phán với họ: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. [16] Ai tin và chịu báp-têm sẽ được cứu; nhưng ai không tin sẽ bị kết tội. [17] Những người tin sẽ được các dấu lạ nầy kèm theo: Họ sẽ nhân danh Ta đuổi quỷ; sẽ nói những ngôn ngữ mới; [18] bắt rắn trong tay, hay nếu uống nhầm chất độc cũng không bị hại; họ đặt tay trên người bệnh thì người bệnh sẽ được lành.”

  1. Hãy đọc Mác 16:16. Những người đáp lại Phúc Âm sẽ làm gì?
  2. Hãy đọc Mác 16:17. Những dấu hiệu nào sẽ đi theo các tín đồ?
  3. Hãy đọc Mác 16:18. Những dấu hiệu nào khác sẽ đi theo các tín đồ?
Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 8:16-17. Chúa Jêsus đã chữa lành bao nhiêu người?

Tất cả những người được đem đến cùng Ngài.

  1. Hãy đọc Ê-sai 53:3-5. Những câu Kinh Thánh này nói về những sự chữa lành nào?

Tất cả sự chữa lành (cả về thể xác).

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 8:17. Điều gì đã xảy ra với bệnh tật và sự đau đớn của chúng ta?

Chúa Jêsus đã mang lấy mọi tật nguyền, bệnh hoạn của chúng ta.

  1. Hãy đọc I Phi-e-rơ 2:24. Câu Kinh Thánh này đã nêu lên hai điều gì mà Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta?

Ngài mang mọi tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài và bởi những lằn roi Ngài phải chịu mà chúng ta được lành bệnh.

  1. Hãy đọc Gia-cơ 5:14-15. Từ “cứu chữa” trong câu 15 là từ sozo trong tiếng Hy Lạp, và được dịch là “cung cấp, bảo vệ, chữa lành, bảo tồn, trở nên trọn vẹn.” Đây cũng chính là từ mà Kinh Thánh gọi là “sự cứu rỗi.” Theo những câu Kinh Thánh này và định nghĩa tiếng Hy Lạp về “sự cứu rỗi”, những gì đã được bao gồm trong sự cứu rỗi này?

Sự chữa lành.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 10:7. Khi Chúa Jêsus sai phái các môn đồ, Ngài đã bảo họ phải nói gì?

Vương quốc thiên đàng đã đến gần.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 10:8. Chúa Jêsus sai phái họ làm những điều gì?
  • Chữa lành người đau yếu.
  • Khiến người chết sống lại.
  • Làm sạch người phong hủi.
  • Đuổi quỷ.
  1. Hãy đọc Mác 16:15. Chúa Jêsus đã bảo các môn độ của Ngài làm gì?

Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.

  1. Hãy đọc Mác 16:16. Những người đáp lại Phúc Âm sẽ làm gì?

Tin và được làm phép báp-têm.

  1. Hãy đọc Mác 16:17. Những dấu hiệu nào sẽ đi theo các tín đồ?

Đuổi quỷ và nói những ngôn ngữ mới.

  1. Hãy đọc Mác 16:18. Những dấu hiệu nào khác sẽ đi theo các tín đồ?

Đặt tay trên người bệnh, người bệnh sẽ được lành.