BÀI SỐ 13

TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA (PHẦN 2)

BÀI HỌC

Trong bài học “Tình Yêu Thương Của Chúa Phần 1” tôi kể cho bạn câu chuyện về cặp đôi người Rô-ma-ni-a tôi gặp trong công viên. Tôi muốn kể thêm cho bạn một vài điều nữa, nhưng trước hết, tôi muốn chúng ta ôn lại những gì chúng ta đã học về tình yêu thương của Chúa. Chúa Jêsus là biểu hiện cao cả nhất của tình yêu thương trên Trái Đất này, nhưng trong Kinh Thánh, Chúa không bao giờ nói câu: “Ta yêu con.” Bạn thấy tuyệt vời không? Biểu hiện cao cả nhất của tình yêu thương không bao giờ nói “Ta yêu con.” Bạn có biết lý do vì sao không? Bởi vì tình yêu thương không chỉ là ở lời nói, mà ở hành động. Nếu tôi nói với vợ tôi là: “Anh yêu em” nhưng sau đó lại đi ngoại tình. Liệu vợ tôi sẽ tin lời nói hay hành động của tôi? Tôi tin rằng cô ấy sẽ nhìn vào hành động của tôi, bởi vì 95% tình yêu là không lời. Nó không phải những gì bạn nói mà là những gì bạn làm.

I Giăng 3:18 dạy rằng, Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật. Yêu là một động từ. Trong Ma-thi-ơ 25:35-36, Chúa Jêsus nói rằng, [35] Vì Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con tiếp rước Ta; [36] Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; Ta ốm đau, các con chăm sóc Ta; Ta bị tù, các con thăm viếng Ta. Và câu 40, Vua sẽ trả lời rằng: ‘Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta.’ Tình yêu là hành động. Hê- bơ-rơ 6:10 chép rằng, Vì Đức Chúa Trời không phải là bất công mà quên công việc và lòng yêu thương của anh em đã bày tỏ ra vì danh Ngài khi phục vụ các thánh đồ, và vẫn còn đang phục vụ nữa.

Trong Ma-thi-ơ 22, khi họ hỏi Chúa Jêsus điều răn lớn nhất là gì, Chúa nói rằng hãy yêu Chúa và yêu những người xung quanh. Hai điều răn này thực sự là một, nếu chúng ta hiểu một cách đúng đắn. Khi bạn yêu thương những người thấp kém nhất trong những anh em, bạn đã và đang yêu thương Chúa. Kinh Thánh muốn nói rằng chúng ta yêu chúa Jêsus qua việc yêu thương người khác.

Trong bài học trước, tôi kể cho bạn về cặp đôi người Rô-ma-ni-a tôi gặp trong công viên. Cuộc sống của họ được thay đổi vì tôi đặt lợi ích của họ lên trên hết, trái ngược lại với cảm xúc lúc đó của tôi. Mặc dù họ là người có màu da khác, đến từ một nơi khác, nhưng tôi biết rằng tình yêu thương của Chúa được bộc lộ khi chúng ta đặt lợi ích của người khác trên bản thân như Chúa Jêsus đã làm. Trong một giây phút, Chúa Jêsus không muốn phải hy sinh bản thân mình trên thập tự giá. Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi Con! Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!” Nhưng Chúa Jêsus đã đặt lợi ích của chúng ta trên hết bản thân Ngài bất kể Ngài cảm thấy thế nào.

Một hôm, tôi nhận được cuộc gọi từ gia đình người Rô-ma-ni-a đầu tiên. Họ khóc lóc trên điện thoại, khi đó họ đã ở nước Mỹ được bảy năm rưỡi. Họ hiện đang sinh sống và làm việc tại tiểu bang Kansas. Họ nói rằng: “Chúng tôi đã nhận được phán quyết về giấy tờ tị nạn. Chúng tôi có 30 ngày để kháng cáo, và sau đó chúng tôi sẽ bị trục xuất.” Thông thường, chỉ có 2-5% số người đăng ký có cơ hội được tị nạn vì lý do chính trị ở nước Mỹ. Họ đã hỏi ý kiến luật sư, bên luật sư nói rằng họ không có cơ hội. Tôi bảo họ rằng tôi sẽ cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ mặc dù tôi không biết giúp cách nào. Thật là bất công nếu họ bị trục xuất, đặc biệt là khi con của họ không biết nói tiếng Rô-ma-ni-a.

Một người bạn của tôi gọi điện cho nghị sĩ tiểu bang Colorado và được khuyên là hãy liên lạc với Thượng nghị sĩ Sam Brownback ở tiểu bang Kansas, vì gia đình người Rô-ma-ni-a hiện đang sinh sống ở đấy. Tôi có một bạn tên là Kim, cô đang làm việc cho Thượng nghị sĩ Brownback nên tôi liên lạc với cô và cô ấy đã nhờ bốn người ở Washington D.C. nghiên cứu về trường hợp này. Cộng đồng ở thành phố Sublette, tiểu bang Kansas thu thập chữ ký ủng hộ việc gia đình người Rô-ma-ni-a ở lại. “Họ là người tốt, luôn trả tiền thuế đầy đủ, họ chăm chỉ làm ăn. Chúng tôi muốn họ ở đây.” Một tờ báo địa phương quyết định viết một bài về những gì đã xảy ra. Quả là một phép lạ vì những người trong chính phủ biết đến những việc đó rồi cuối cùng, gia đình người họ nhận được một lá thư nói rằng quyết định trục xuất đã được loại bỏ và họ được phép ở lại nước Mỹ.

Khi biết tin, tôi đã đến thành phố Sublette, tiểu bang Kansas. Gia đình người Rô-ma-ni-a không biết là tôi đến. Khi tôi tới nơi, họ đang nói chuyện với thượng nghị sĩ Brownback trên điện thoại và cảm ơn ông về giấy tờ tị nạn. Ông không thể đến chúc mừng họ ngày hôm đó nhưng đài truyền hình ABC và NBC đang ở bên ngoài nhà gia đình người Rô-ma-ni-a để phỏng vấn họ. Sau khi họ gác máy, họ chạy đến ôm chầm lấy tôi còn các máy quay hướng về phía tôi. Phóng viên hỏi: “Anh là ai và mối quan hệ giữa anh và gia đình này là gì?” Tôi kể cho họ từ đầu đến cuối câu chuyện về cuộc gặp mặt của tôi và gia đình người họ và về việc tôi đã làm theo những gì Chúa Jêsus dạy trong Ma-thi-ơ 7:12.

Sau đó, chúng tôi đến một nhà thi đấu nơi người dân thành phố Sublette treo bóng bay màu đỏ, trắng và xanh, như màu cờ nước Mỹ ở khắp nơi và hát quốc ca. Khi cặp đôi người Rô-ma-ni-a đến nơi, mọi người bắt đầu hò reo, chào mừng họ trong nước mắt. Ông thị trưởng thành phố lên phát biểu rằng: “Hôm nay, ngày 12 tháng 2, sẽ được đặt tên là Ngày Gia Đình Jucan, để vinh danh gia đình người Rô-ma-ni-a này.”

Họ tặng gia đình người Rô-ma-ni-a một lá cờ nước Mỹ mà ngài nghị sĩ đã treo ở thủ đô Washington D.C. Ông cũng đưa cho họ giấy tờ và nói họ được phép ở lại nước Mỹ hợp pháp cho đến cuối đời. Gia đình người Rô-ma-ni-a lên làm chứng và sau đó họ nhờ tôi cầu nguyện. Tôi nói rằng: “Có một người mà chúng ta chưa cảm tạ hôm nay và đó là Chúa Cha. Trong một công viên ở thành phố Colorado Springs ở tiểu bang Colorado, bảy năm rưỡi trước, tôi đang tìm kiếm Chúa và nói với Chúa tôi muốn giúp đỡ một người nào đó với tình yêu thương của Ngài ngày hôm đó. Và tôi được Chúa dẫn dắt đến gia đình người Rô-ma-ni-a này.” Tôi kể lại câu chuyện của cuộc gặp mặt và kết luận rằng: “Chúa muốn giúp gia đình bạn, xin chào mừng bạn đến với nước Mỹ.”

Cách mọi chuyện xảy ra thật sự là một phép lạ. Tôi quen đúng người ở đúng chỗ và ở đúng thời điểm. Bạn tôi, cô Kim đã sắp xếp để thượng nghị sĩ Brownback đến gặp tôi tại văn phòng Andrew Wommack Ministries một năm trước khi tất cả các sự kiện này xảy ra. Kim giới thiệu: “Ông phải gặp ông Don Krow.” Lúc đó, tôi không biết tại sao nên có cuộc gặp ấy, tôi rất lúng túng và lo lắng. Tôi không biết được rằng Chúa đang sắp đặt mọi thứ để giúp đỡ gia đình người Rô-ma-ni-a. Qua lời răn của Ngài là hãy làm cho người khác những gì bạn muốn người khác làm cho mình, Chúa thể hiện tình yêu thương của Ngài với họ. Đó là một phép màu mà họ sẽ không bao giờ quên, và ngày hôm nay nếu bạn gặp họ, họ sẽ nó là: “Tất cả là nhờ có Chúa!” Anka, người phụ nữ Rô-ma-ni-a, nói rằng: “Đức tin của tôi đã từng dao động, nhưng Chúa là thành tín và Ngài cho chúng tôi ở lại nước Mỹ.”

Có rất nhiều người ngay lúc này đang kêu cầu để có được tình yêu thương thật. Nhưng cách duy nhất họ có thể nhận được là khi tôi và bạn quyết định trong lòng là mình sẽ học để hiểu nguyên tắc của tình yêu thương từ Lời của Chúa. Tình yêu thương là tử tế, là đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân mình - như Chúa Jêsus đặt lợi ích của chúng ta lên trên bản thân Chúa và hy sinh cho chúng ta trên thập tự giá. Tôi cầu nguyện Chúa ban phước cho bạn ngày hôm nay khi bạn bắt đầu làm theo nguyên tắc của Ngài và học cách yêu thương bằng tình yêu thương của Chúa.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 7:12. Hãy miêu tả quy tắc vàng theo cách nói riêng của bạn.

Ma-thi-ơ 7:12 Vậy thì, bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 7:12. Trong nỗ lực tìm kiếm tình yêu, nhiều người cố gắng tìm đúng bạn đời. Chúng ta nên cố gắng tìm đúng người hay trở thành đúng người?
  2. Hãy đọc I Giăng 5:3. Tình yêu có phải chỉ là một cảm giác không, hay là một hành động?

I Giăng 5:3 Yêu Đức Chúa Trời tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài; điều răn của Ngài không phải là nặng nề.

  1. Hãy đọc I Giăng 3:18. Nếu tôi bảo với vợ mình là “Anh yêu em” nhưng sau đó đi ngoại tình, liệu vợ tôi sẽ tin lời nói hay hành động của tôi?

I Giăng 3:18 Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:6-8. Bạn có nghĩ rằng Chúa Jêsus muốn hy sinh bản thân?

Rô-ma 5:6-8 [6] Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. [7] Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. [8] Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.

  1. Hãy đọc Ga-la-ti 5:22. Liệu chúng ta có thể thực sự yêu thương người khác khi Chúa không là trọng tâm của cuộc sống của chúng ta?

Ga-la-ti 5:22 Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ.

  1. Hãy đọc I Giăng 4:8. Lý do mà chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa trong việc yêu thương người khác là vì Ngài là người duy nhất...?

I Giăng 4:8 Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.

  1. Hãy đọc I Cô-rinh-tô 13:5. Chọn trong những từ sau đây để miêu tả những gì không phải là biểu hiện của tình yêu: thô lỗ, ích kỷ, không tha thứ.

I Cô-rinh-tô 13:5 Không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ.

  1. Hãy đọc I Cô-rinh-tô 13:8. Khi rời thế gian này để đến nước Thiên Đàng, bạn có thể mang đi cái gì?

I Cô-rinh-tô 13:8 Tình yêu thương không bao giờ suy tàn. Các lời tiên tri sẽ hết, ân tứ nói tiếng lạ sẽ ngưng, sự hiểu biết sẽ chấm dứt.

  1. Hãy đọc Châm Ngôn 10:12. Trong I Cô-rinh-tô 13:5 (Bản dịch mới), Kinh Thánh dạy rằng “Tình yêu thương không ghi nhớ việc ác.” Tình yêu thương che lấp bao nhiêu tội lỗi?

Châm Ngôn 10:12 Miệng của người công chính là nguồn sự sống. Nhưng miệng kẻ gian ác chất chứa bạo tàn.

I Cô-rinh-tô 13:5 Không khiếm nhã, không tìm tư lợi, không dễ nóng giận, không ghi nhớ việc ác.

Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 7:12. Hãy miêu tả quy tắc vàng theo cách nói riêng của bạn.

Hãy làm cho người khác những gì mình mong muốn người ta làm cho mình.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 7:12. Trong nỗ lực tìm kiếm tình yêu, nhiều người cố gắng tìm đúng bạn đời. Chúng ta nên cố gắng tìm đúng người hay trở thành đúng người?

Trở thành đúng người.

  1. Hãy đọc I Giăng 5:3. Tình yêu có phải chỉ là một cảm giác không, hay là một hành động?

Tình yêu thương là vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

  1. Hãy đọc I Giăng 3:18. Nếu tôi bảo với vợ mình là “Anh yêu em” nhưng sau đó đi ngoại tình, liệu vợ tôi sẽ tin lời nói hay hành động của tôi?

Hành động. Hành động có ý nghĩa hơn lời nói.

  1. Hãy đọc Rô-ma 5:6-8. Bạn có nghĩ rằng Chúa Jêsus muốn hy sinh bản thân?

Không, nhưng Chúa đặt lợi ích của chúng ta lên trên cảm xúc của Ngài.

  1. Hãy đọc Ga-la-ti 5:22. Liệu chúng ta có thể thực sự yêu thương người khác khi Chúa không là trọng tâm của cuộc sống của chúng ta?

Không thể.

  1. Hãy đọc I Giăng 4:8. Lý do mà chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa trong việc yêu thương người khác là vì Ngài là người duy nhất được gọi là...?

Tình yêu thương.

  1. Hãy đọc I Cô-rinh-tô 13:5. Chọn trong những từ sau đây để miêu tả những gì không phải là biểu hiện của tình yêu: thô lỗ, ích kỷ, không tha thứ.

Tất cả những từ trên.

  1. Hãy đọc I Cô-rinh-tô 13:8. Khi rời thế gian này để đến nước Thiên Đàng, bạn có thể mang đi cái gì?

Tình yêu thương. Tình yêu thương chẳng bao giờ suy tàn.

  1. Hãy đọc Châm Ngôn 10:12. Trong I Cô-rinh-tô 13:5 (Bản dịch mới), Kinh Thánh nói, “Tình yêu thương không ghi nhớ việc ác.” Tình yêu thương che lấp bao nhiêu tội lỗi?

Tất cả mọi tội lỗi.