BÀI SỐ 14

TÀI CHÍNH (PHẦN 1)

BÀI HỌC

Chúa Jêsus muốn bạn được thịnh vượng về tài chính. Tài chính là một điều rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Chúng ta đều cần tiền để sống, để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, và để giúp đỡ người khác. Chúa không hề bỏ rơi chúng ta trong lĩnh vực này và nói rằng: “Ta chỉ quan tâm đến các vấn đề tâm linh, còn vấn đề tài chính, con hãy tự lo đi.” Hoàn toàn không phải là như vậy! Chúa Jêsus yêu thương bạn trong mọi mặt – tâm trí, linh hồn và thân thể, và Chúa đã chu cấp tất cả mọi thứ cho bạn. Phần lớn người tin Chúa đều nhận ra rằng một mức độ thịnh vượng tài chính là cần thiết, nhưng về cơ bản, tôn giáo có lập trường là chống lại sự thành đạt trong tài chính.

Lời Chúa dạy chúng ta rằng: không tham lam nhưng cũng nêu lên một cách rõ ràng rằng tài chính là một phước lành. Trong III Giăng 2, Phao-lô nói rằng, Thưa anh quý mến, tôi cầu nguyện cho anh được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn. Quả là một câu tuyên bố mạnh mẽ. Phao-lô cầu nguyện rằng chúng ta “được thịnh vượng mọi mặt!” Mọi mặt bao gồm sự chữa lành, cảm xúc, các mối quan hệ, và cả tài chính nữa. Chúa luôn muốn bạn được thịnh vượng và được khỏe mạnh. Con cái Chúa được thịnh vượng về cả linh hồn, tâm trí và thể xác. Đó là ý muốn của Ngài.

Nhiều nhà hoạt động tôn giáo dạy là Chúa muốn bạn nghèo khổ, rằng sự nghèo khổ là một điều tin kính, và nếu bạn càng nghèo, bạn càng giống Chúa. Tôi được nuôi dạy dưới những quan điểm này, rằng những người dạy lời Chúa không nên được dư dật quá, rằng một Cơ Đốc nhân phải là người sống trong sự thiếu thốn. Nhưng điều này không tìm thấy ở trong Kinh Thánh. Áp-ra-ham từng là người đàn ông giàu nhất trong thời đại của ông, đến nỗi mà các vị vua yêu cầu ông phải đi khỏi xứ vì tài sản của ông ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của đất nước họ. Y-sác và Gia-cốp cũng giàu có tương tự như vậy. Giô-sép cũng là một người đàn ông giàu có và vô cùng dư dật. Vua Đa-vít cống hiến từ kho bạc cá nhân của mình hơn 2,5 tỷ đô la vàng bạc để xây dựng đền thờ Chúa. Vua Sô-lô-môn, con trai của vua Đa-vít, là người giàu có nhất từng sống trên trái đất. Khi bạn nghiên cứu Kinh Thánh, những người phục vụ Chúa hết lòng đều được Chúa ban phước dư dật về tài chính.

Kinh Thánh cũng có cả những ví dụ về những người phải vật lộn với khó khăn và thiếu thốn. Sứ đồ Phao-lô trong Phi-líp 4:13 nói rằng ông làm được mọi sự nhờ Chúa Jêsus ban năng lực cho ông và ông đã học bí quyết để sống trong mọi hoàn cảnh, dù no hay đói, dù dư hay thiếu. Có những lúc con cái Chúa trải qua sự nghèo đói và khó khăn, nhưng Kinh Thánh không bao giờ nói rằng càng nghèo khổ, bạn càng trở nên tin kính. Đây là điều hoàn toàn sai. Bạn hãy thử đi ra đường, chứng kiến sự nghèo khổ, thiếu thốn mà một số người đang phải trải qua, bạn sẽ thấy rằng tiếp tục nghèo khổ là không đúng. Có một lẽ thật không thể phủ nhận: sự tham lam về tiền bạc là sai. I Ti-mô-thê 6:10 dạy rằng, Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Nhiều người đã dùng câu Kinh Thánh này để nói rằng tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác; nhưng thực ra Kinh Thánh nói “lòng tham tiền bạc” mới là cội rễ của mọi điều ác. Nhiều người ham thích tiền bạc mà không có một đồng nào trong túi; nhiều người có nhiều tiền nhưng lại không tham nó hay yêu mến nó, họ chỉ sử dụng tiền bạc như một công cụ.

Phục Truyền 8:18 chỉ cho chúng ta mục đích thật của sự thịnh vượng về tài chính. Chúa đang phán với người Y-sơ-ra-ên, khi họ chuẩn bị bước vào miền đất hứa và hưởng sự giàu có và thịnh thượng mà trước đây họ chưa từng bao giờ có được: Nhưng phải tưởng nhớ Giê-hô- va Đức Chúa Trời của anh em, vì chính Ngài là Đấng ban cho anh em sức lực tạo dựng cơ đồ này, để thực hiện giao ước mà Ngài đã thề với tổ phụ anh em, như Ngài đang làm ngày nay. Theo câu Kinh Thánh này, mục đích của sự thịnh vượng không phải là chỉ để sở hữu tài sản cho bản thân, nhưng là để thực hiện giao ước của Chúa trên đất. Hay nói một cách khác, Chúa muốn bạn được thịnh vượng để bạn có thể trở thành nguồn phước cho người khác. Trong Sáng Thế Ký 12:2, Chúa nói với Áp-ra-ham rằng: Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho con, làm rạng rỡ danh con, và con sẽ thành một nguồn phước. Nhưng trước khi bạn trở thành nguồn phước, bạn phải được phước đã.

Trong cuộc sống, bạn có nhiều nhu cầu và Chúa muốn chu cấp cho tất cả những nhu cầu đó, nhưng nó khác xa sự ích kỷ. Chúa muốn làm cho bạn giàu có để tài chính của Chúa có thể được thông qua bạn đến tay người khác và khiến bạn trở thành nguồn phước. II Cô-rinh-tô 9:8 dạy rằng, Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em ân điển sung mãn để đáp ứng mọi nhu cầu của anh em, lại còn có dư dật để làm mọi việc lành. Câu Kinh Thánh này cũng giải thích lý do tại sao Chúa muốn làm cho bạn dư dật - để bạn có thể làm mọi điều lành. Đây có thể gọi là định nghĩa của sự thịnh vượng theo Kinh Thánh. Sự thịnh vượng là gì? Liệu nó có phải là việc có nhà đẹp, xe đẹp, quần áo đẹp và thức ăn ngon hay không? Theo câu Kinh Thánh này, sự thịnh vượng là có đủ để đáp ứng mọi nhu cầu của bản thân, và còn có dư dật để làm mọi việc lành. Nếu như bạn không có đủ tài chính để quyên góp hay ban phước cho những người Chúa cảm động bạn, bạn chưa phải là người thịnh vượng. Chúa phán rằng Ngài sẽ ban phước cho bạn đến mức tất cả mọi nhu cầu của bạn đều được đáp ứng và bạn còn dư dật để đi làm mọi việc lành.

Sự thịnh vượng thật theo Kinh Thánh không chỉ là bạn có đủ tài chính để thoả mãn nhu cầu cá nhân, mà còn khiến bạn trở thành nguồn phước cho những người khác nữa. Người chỉ quan tâm đến bản thân là người ích kỷ. Khi một người cầu nguyện rằng “Tôi mong Chúa ban phước cho tôi nhiều hơn nữa,” nhiều người nghĩ rằng họ là người tham lam, ích kỷ, nhưng thực ra ích kỷ hay không phải được đánh giá bằng động cơ của họ. Nếu như bạn cầu nguyện chỉ để Chúa cho bạn nhà to hơn hay xe đẹp hơn, động cơ đó là ích kỷ. Nhưng nếu bạn tin Chúa sẽ cho bạn được thịnh vượng để bạn có thể làm việc thiện, đó là động cơ mà Chúa muốn thấy ở bạn. Chúa luôn muốn con cái Ngài được thịnh vượng.

Ma-thi-ơ 6 nói về những gì chúng ta cần trong cuộc sống và dạy rằng nếu chúng ta tìm kiếm Vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi điều ấy nữa. Tất cả những nhu cầu và mong muốn của bạn sẽ được đáp ứng, và trên hết bạn sẽ trở thành nguồn phước cho những người xung quanh. Chúa muốn bạn được dư dật, nhưng còn phụ thuộc vào động cơ và việc làm của bạn đối với tài chính.

Tôi cầu nguyện rằng bài học này sẽ giúp bạn thay đổi quan điểm và đặt niềm tin vào ý muốn tốt đẹp của Chúa cho bạn, đó là sự thịnh vượng.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc II Cô-rinh-tô 8:7-8. Khi bạn cho những người bị thiếu thốn, bạn đang chứng tỏ rằng …?

II Cô-rinh-tô 8:7-8 [7] Vậy thì, như anh em đã vượt trội trong mọi việc: Đức tin, lời nói, tri thức, lòng nhiệt thành, và tình yêu thương đối với chúng tôi, thì anh em cũng nên vượt trội trong việc từ thiện này. [8] Tôi nói điều nầy không phải để ra lệnh cho anh em đâu, nhưng tôi chỉ nêu lên lòng nhiệt thành của những người khác để xem lòng yêu thương của anh em chân thành đến mức nào.

  1. Hãy đọc II Cô-rinh-tô 8:13-14 Khi chúng ta cùng nhau chia sẻ, Chúa muốn điều gì?

II Cô-rinh-tô 8:13-14 [13] Tôi không muốn những người khác được nhẹ bớt, còn anh em phải nặng thêm, nhưng muốn có sự quân bình. [14] Lúc nầy anh em đang dư dật thì hãy trợ giúp những người túng thiếu; để khi họ dư dật thì họ sẽ trợ giúp anh em lúc túng thiếu. Như vậy là công bằng.

  1. Hãy đọc II Cô-rinh-tô 8:13-14 Bằng cách nào nhu cầu của mọi người được đáp ứng?
  2. Hãy đọc Ê-phê-sô 4:28. Kẻ quen trộm cắp thay vì trộm cắp nên tự tay mình làm việc để kiếm sống. Câu Kinh Thánh này dạy họ nên làm gì?

Ê-phê-sô 4:28 Kẻ quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, tự tay mình làm việc lương thiện để có thể giúp đỡ người thiếu thốn thì hơn.

  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 13:2 và 12:2. Chúa tin tưởng và giao cho Áp-ra-ham nhiều của cải bởi vì Áp-ra-ham không chỉ nghĩ đến bản thân nhưng trở nên một...? cho người khác.

Sáng Thế Ký 13:2 Áp-ram rất giàu về gia súc, bạc và vàng.

Sáng Thế Ký 12:2 Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho con, Làm rạng rỡ danh con, Và con sẽ thành một nguồn phước.

  1. Hãy đọc I Ti-mô-thê 6:17-18. Ba điều những người giàu có nên làm với của cải của mình là gì?

I Ti-mô-thê 6:17-18 [17] Hãy khuyên bảo những người giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng đặt hi vọng vào của cải không chắc chắn, nhưng hãy đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật một cách dư dật để chúng ta vui hưởng. [18] Họ phải làm việc thiện, làm nhiều việc phước đức, có lòng rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ.

  1. Liệu Chúa có thể tin tưởng bạn về mặt tài chính?
Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc II Cô-rinh-tô 8:7-8. Khi bạn cho những người bị thiếu thốn, bạn đang chứng tỏ rằng …?

Tình yêu thương của mình là chân thành.

  1. Hãy đọc II Cô-rinh-tô 8:13-14 Khi chúng ta cùng nhau cống hiến, Chúa muốn điều gì?

Sự quân bình. Mọi người nên chia sẻ những gì có thể.

  1. Hãy đọc II Cô-rinh-tô 8:13-14 Bằng cách nào nhu cầu của mọi người được đáp ứng?

Ngay khi mình có thể, hãy chia sẻ những gì mình có.

  1. Hãy đọc Ê-phê-sô 4:28. Kẻ quen trộm cắp thay vì trộm cắp nên tự tay mình làm việc để kiếm sống. Câu Kinh Thánh này dạy họ nên làm gì?

Tự tay làm việc thiện để giúp đỡ những người thiếu thốn hơn.

  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 13:2 và 12:2. Chúa tin tưởng và giao cho Áp-ra-ham nhiều của cải bởi vì Áp-ra-ham không chỉ nghĩ đến bản thân nhưng trở nên một….? cho người khác.

Nguồn phước.

  1. Hãy đọc I Ti-mô-thê 6:17-18. Ba điều những người giàu có nên làm với của cải của mình là gì?
  • Làm việc thiện.
  • Có lòng rộng rãi với người khác.
  • Sẵn sàng chia sẻ những gì Chúa ban cho họ.
  1. Liệu Chúa có thể tin tưởng bạn về mặt tài chính?