BÀI SỐ 15

LỜI CHỨNG CÁ NHÂN

BÀI HỌC

Bài học ngày hôm nay của chúng ta là về cách sử dụng lời chứng cá nhân khi đi môn đồ hoá. Công Vụ 5:42 cho biết, Hằng ngày, trong đền thờ hoặc từ nhà nầy sang nhà khác, các sứ đồ cứ tiếp tục dạy dỗ và rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ. Hãy lưu ý rằng các sứ đồ của Hội Thánh đầu tiên gặp nhau trong đền thờ mỗi ngày, và từ nhà này sang nhà khác, họ tiếp tục giảng dạy và rao giảng Chúa Jêsus là Đấng Christ. Nhiều người cảm thấy cách tiếp cận từng nhà thật không tự nhiên hoặc không thoải mái. Tôi muốn chia sẻ một vài điều chúng tôi đã kinh nghiệm được khi thực sự đi ra ngoài truyền giáo, mở ra cánh cửa cho việc môn đồ hoá và chứng kiến mọi người tiếp nhận Chúa Jêsus Christ.

Việc đi ra ngoài truyền giáo không khó như bạn đã từng nghe đâu và một trong những điều tôi học được trong Kinh Thánh là Sứ đồ Phao-lô đã sử dụng lời chứng cá nhân của mình ba lần khi nói chuyện với những người chưa được biến đổi. Trong Công Vụ 9,22 và 26, Phao-lô đã đưa ra lời chứng, kinh nghiệm của mình và những gì đã xảy ra với ông khi ông nói chuyện với những người chưa tin. Một trong những cách tiếp cận tốt nhất mà chúng tôi đã tìm thấy trong việc đưa sứ điệp của Chúa Jêsus Christ đến với người khác được chúng tôi gọi là “cầu nguyện tuần hành”. Chúng tôi đi đến một ngôi nhà, gõ cửa và nói với họ: “Chúng tôi đang đi cầu nguyện tuần hành cho mọi người. Chúng tôi tin rằng Chúa nghe và đáp lời cầu nguyện. Chúng tôi tự hỏi liệu anh chị có đang gặp vấn đề gì không? như sức khỏe chẳng hạn và muốn chúng tôi cầu nguyện không?” Đôi khi họ nói: “Vâng, vâng, tôi đang có một vấn đề …” và muốn chúng tôi cầu nguyện. Còn những nhà khác, họ cảm thấy hơi khó chịu hoặc xấu hổ và nói, "Không, chúng tôi không có bất kỳ điều gì cần cầu nguyện nào vào lúc này." Sau đó, chúng tôi bắt đầu nói với họ lời chứng cá nhân của chúng tôi.

Tôi nói: “Tôi thấy gia đình anh chị có con nhỏ. Tôi cũng có ba người con. Ngày 14 tháng 12 năm 1981, hai đứa con gái sinh đôi của tôi chào đời. Tôi được thông báo là cháu sinh đôi thứ hai đã mất ngay khi sinh”. Những người nghe ngay lập tức bày tỏ sự thương xót: “Ôi, tội nghiệp quá! Tôi rất tiếc khi nghe về điều đó.” Tôi nói: " Hãy để tôi kể cho anh chị nghe những gì đã xảy ra”. Tôi tiếp tục câu chuyện của mình. “Cháu thứ hai trong cặp song sinh nhà tôi bị ngôi ngược; tức là chân của cháu sẽ ra trước. Trong quá trình sinh, cháu đã bị ngạt vì thiếu ô-xy. Khi cháu ra ngoài, cháu đã ngừng thở.

Nữ hộ sinh bế cháu lên, vỗ thật mạnh vào lưng, rồi hút dịch phổi, cô đã làm mọi thứ có thể để cho cháu thở, nhưng đều không có kết quả. Tôi cũng giống như bất kỳ người cha nào khác. Tôi vừa mất con gái - tôi sẽ làm gì đây?” Lúc này, tôi hỏi những người mà tôi đang làm chứng: “Tôi muốn hỏi là anh chị đã bao giờ đọc Kinh Thánh chưa?”. Người thì đáp: “Tôi có đọc một ít". Người khác thì có thể sẽ nói: “Chưa, tôi chưa đọc bao giờ!” Tôi giải thích với họ “Lý do tôi hỏi là vì Kinh Thánh có chép trong Công Vụ 10:38 rằng Chúa Jêsus đã chữa lành tất cả những ai bị quỷ ám, vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài! Đó là điều đã được ghi chép trong Kinh thánh. Tôi sẽ kể tiếp những gì đã xảy ra hôm ấy. Các anh chị có thể không tin hoặc tin. Nhưng lúc đó con tôi đã chết, và tôi đã nghĩ rằng rồi tôi sẽ phải chôn con mình. Tôi chỉ muốn ôm đứa con gái bé nhỏ của mình. Khi tôi đến nhận con, có một con quỷ mà Kinh thánh gọi là tà linh bao phủ trên người cháu. Nó tấn công tôi và làm tôi tê liệt trong giây lát. Ngay lập tức, tôi nói: “Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, ta truyền lệnh cho các tà linh phải ra khỏi con trẻ này, và nhân danh Đức Chúa Jêsus ta truyền cho sự sống đến trên con trẻ này ngay bây giờ!” Đứa con chưa bao giờ thở của tôi đột nhiên hổn hển, hít một hơi rồi lại tắt thở. Tôi nhắc lại: “Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, tà linh kia, ta truyền cho ngươi phải rời bỏ đứa trẻ này ngay bây giờ, và sự sống sẽ đến trong nó!” Lần này con bé thở gấp mấy lần, tiếp tục thở và thở!”

Tôi gọi tên người tôi đang nói chuyện và nói: “Anh/chị (tên) biết đấy, một người không có oxy lên não trong khoảng ba phút sẽ bị tổn thương não. Nhưng con gái tôi hoàn toàn bình thường. Chúng tôi đặt tên cho con là Vita, trong tiếng Latinh có nghĩa là “sự sống”, bởi vì chúng tôi muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện về những gì Chúa đã làm cho con gái mình. Ngài đã mang lại sự sống cho cháu. Kể từ đó, tôi đã nghiên cứu Kinh Thánh rất nhiều, và đây là điều tôi đã khám phá ra: Giống như các tà linh đến trên con tôi, có vương quốc bóng tối, nơi Satan cai trị và cũng có một vương quốc của Con yêu dấu của Đức Chúa Trời”.

“Khi Chúa Jesus đến thế gian, Ngài kêu gọi mọi người ra khỏi vương quốc bóng tối vào vương quốc của Ngài qua sự ăn năn và đức tin nơi Ngài - nhận được sự tha thứ tội lỗi và quay về với Ngài. Tôi không biết anh chị tin gì, nhưng tôi chỉ kể cho anh chị nghe những gì đã xảy ra trong gia đình và trong cuộc sống của tôi. Tôi muốn cho anh chị biết lý do thực sự mà chúng tôi có mặt tại cửa nhà anh chị. Chúa Jêsus dạy rằng chúng ta phải đi môn đồ hoá muôn dân. Tôi nhận thấy nhiều người bận rộn và không thể hoặc không muốn đến Hội Thánh. Nếu mà có câu hỏi ở Hội Thánh thì cũng không thể giơ tay và nói: “Mục sư (hoặc linh mục) ơi, những gì mục sư vừa nói có nghĩa là gì?” Đó là lý do tại sao chúng tôi đến trước cửa nhà anh chị”. Trong mười phút, chúng tôi tập trung giảng dạy từ Lời Đức Chúa Trời. Sau đó, chúng tôi đọc một vài đoạn Kinh Thánh và đặt một số câu hỏi để đảm bảo rằng người chúng tôi làm chứng đều hiểu. Đó thực sự là một cuộc đối thoại cởi mở, gần gũi. Chúng tôi không rao giảng hoặc day dỗ cho họ những gì có trong Kinh Thánh mà cố gắng giúp họ tự khám phá Kinh Thánh thông qua các câu hỏi.

“Điều tôi vừa chia sẻ có làm anh chị thích thú không? Tuỳ theo thời gian thuận tiện cho anh chị, chúng tôi sẽ đến nhà anh chị, nói chuyện và cung cấp cho anh chị các bài học. Nếu anh chị không học được điều gì từ bài học đầu tiên, hay thấy nó không giúp ích, khích lệ và xây dựng, chúng tôi sẽ không bao giờ đến đây nữa. Chúng tôi không đến đây để làm phiền gia đình mình, để mời mọc anh chị tham gia một nhà thờ hoặc tổ chức, hoặc bất cứ điều gì tương tự. Chúng tôi chỉ ở đây để cho anh chị biết Chúa Jêsus Christ đã làm gì cho mỗi chúng ta và giúp anh chị hiểu Lời Chúa. Có rất nhiều điều trong Kinh Thánh mà chúng tôi không biết hoặc không hiểu hoàn toàn, nhưng chúng tôi muốn mang đến cho anh chị một khoá học ngắn. Anh chị có quan tâm tới bài học đó không?” Rất nhiều người đã nói “Vâng, tôi quan tâm”, vì vậy chúng tôi sắp xếp thời gian để đến nhà của họ và bắt đầu những bài học môn đồ hóa này. Chúng tôi không ở đó để thực hiện điều mà tôi gọi là “truyền giảng lò vi sóng”, (làm nóng thật nhanh), chúng tôi không nắn chỉnh tay của họ và khiến họ cầu nguyện khi họ thậm chí còn không hiểu mình đang làm gì. Chúng tôi học theo các bài học về môn đồ hóa và giúp họ hiểu về Đấng Christ và Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá vì chúng ta.

Tôi kể với một mục sư về các bài học môn đồ hoá của chúng tôi, và mục sư hỏi: “Don, điều gì xảy ra sau bài học đầu tiên?” “Sau bài học đầu tiên, một người hiểu họ cần phải làm gì để đáp lại Chúa Jêsus Christ và nhận được sự thương xót và sự tha thứ từ Ngài. Chúng tôi không tiếp cận họ theo kiểu của những người bán hàng áp lực doanh số. Nhưng qua bài học đầu tiên, họ sẽ nhận ra những gì họ cần làm từ trong lòng của họ.” Sau đó mục sư lại tiếp tục hỏi: “Vậy thì điều gì sẽ xảy ra sau bài học số 15?” Tôi nói: “Sau bài học 15, nếu một người vẫn học với chúng tôi, người đó sẽ ăn năn tội lỗi của mình, làm báp têm nước và nhận lãnh báp-têm Thánh Linh. Chúng tôi chứng kiến rất nhiều lần như vậy, thậm chí không cần phải đến tận bài số 15, mà ngay cả sau bài số 6!”

Trong Ma-thi-ơ 28, Chúa Jêsus phán rằng hãy đi khắp nơi và môn đồ hoá muôn dân, nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm phép báp-têm cho họ. Trong khi đi môn đồ hóa, chúng tôi mang lại sự hiểu biết về Chúa Jêsus Christ và công việc Ngài đã hoàn thành trên thập tự giá đến với những người chưa tin. Khi đem sự hiểu biết đó chia sẻ từ tuần này qua tuần khác, chúng tôi xây dựng mối quan hệ với họ, có thể gọi là một tình bạn. Họ dần dần yêu mến và tin tưởng chúng tôi. Chúng tôi mang Lời của Đức Chúa Trời đến với họ, không phải đến để giảng dạy cho họ. Chúng tôi cùng họ đọc Kinh Thánh, khiến họ ham thích đọc Kinh Thánh và chúng tôi đặt câu hỏi theo cách mà họ có thể tự tìm thấy đáp án từ Lời Chúa. Sẽ đến thời điểm mà họ sẵn sàng công khai xưng nhận Đấng Christ vì họ hiểu: lựa chọn, đi theo Ngài và cam kết với Ngài có nghĩa là gì. Cách làm này khác nhiều so với các cách tiếp cận truyền giáo phổ biến.

Cách đầu tiên chúng ta có thể đi đến với người chưa tin là bằng lời chứng cá nhân, và mỗi người chúng ta đều có một lời chứng riêng. Nhiều khi chúng ta viết ra rồi gửi đi lời chứng của chính mình. Tôi đã viết một lời chứng là "Cái chết của con gái tôi" rồi để lại ở trước cửa nhiều ngôi nhà. Những người khác trong nhóm Môn đồ hoá truyền giáo của tôi đã viết rất nhiều lời chứng, như “Nô lệ được tự do” của Joe Rose, người bị trói buộc bởi rượu và ma túy và “Cái chết của kẻ nghiện ngập” của Rocky Forry, người nghiện ma túy kể từ khi anh mười lăm tuổi và Chúa Jêsus đã giải cứu anh ta. Chúng tôi sử dụng những lời chứng đó tại những ngôi nhà mở cửa tiếp đón chúng tôi.

Một số người nói rằng: “Nhưng tôi chẳng có lời chứng hay ho nào cả. Tôi không có đứa con nào từ cõi chết sống lại để mà làm chứng” Tôi biết rất nhiều người không có những lời chứng kiểu như vậy. Bạn có thể có một lời chứng đơn giản giống như lời chứng của Andrew Wommack, ông có Đức Chúa Trời đi cùng trong suốt cuộc đời ông, kể từ thời thơ ấu, điều đó giúp ông tránh khỏi những tội lỗi, ô dơ, bất khiết mà hầu hết mọi người phải đối mặt. Mỗi người trong chúng ta đều có một lời chứng và nếu bạn không nghĩ rằng lời chứng của bạn đủ hấp dẫn, hãy sử dụng câu chuyện tôi. Khi chúng tôi mới tổ chức các nhóm Môn đồ hoá truyền giáo và bắt đầu tiếp cận với mọi người, Joe Rose đã sử dụng lời chứng của tôi. Sau một thời gian, anh ấy đã khiến nó còn hay hơn cả bản của tôi, vì vậy tôi chỉ có thể nói: “Này, Joe, hãy bắt đầu và nói cho họ biết chuyện gì đã xảy ra với tôi!”

Nếu sứ đồ Phao-lô sử dụng lời chứng của ông ba lần thì bạn cũng có thể làm vậy. Ngày nay, chúng ta có máy tính với tất cả các chương trình như Word Perfect, Microsoft Word… Chúng ta có thể dễ dàng đánh máy lời chứng cá nhân của mình. Sử dụng chứng đạo đơn của mình hiệu quả hơn nhiều, hãy đưa nó cho người khác và nói: “Đây không phải là tài liệu tôi mua từ hiệu sách Cơ Đốc. Đây chính là những gì đã xảy ra với tôi mà tôi sắp sửa chia sẻ với các bạn!”

Tôi muốn bạn ngồi xuống và bắt đầu viết lời chứng của cá nhân bạn - điều gì đã xảy ra với bạn - bạn đã đến với Chúa Jêsus Christ như thế nào. Sau đó, tập tành làm chứng với ai đó như thể bạn đang trình bày nó trước cửa nhà một người xa lạ.

Nếu bạn cần thêm thông tin về chủ đề này, hãy truy cập trang web của tôi: www.krowtracts.com và xem thông tin về “Bí Quyết Chia sẻ Đức tin của Bạn”. Viết lời chứng cá nhân của bạn, thực hành trình bày nó và nghiên cứu “Bí Quyết Chia sẻ Đức tin của Bạn”. Điều rất quan trọng là bạn phải nghiên cứu nó - không chỉ đọc nó - vì bạn sẽ ra đi và truyền giáo cho từng người một.

Chúa ban phước cho bạn!

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc Mác 16:15. Tin Lành cần được giảng cho những ai?

Mác 16:15 Ngài phán với họ: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 28:19-20. Ai cần được môn đồ hoá?

Ma-thi-ơ 28:19-20 [19] Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ [20] và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.”

  1. Hãy đọc Công Vụ 8:5,26; 16:13-15, 23; 20:20-21. Phúc Âm được rao giảng ở đâu?

Công Vụ 8:5,26 [5] Phi-líp đi xuống thành Sa-ma-ri rao giảng Đấng Christ cho dân chúng ở đó … [26] Bấy giờ, có một thiên sứ của Chúa phán với Phi-líp: “Hãy đứng dậy đi về phía nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-xa. Đường ấy vắng vẻ.”

Công Vụ 16:13-15, 23 [13] Vào ngày Sa-bát, chúng tôi ra ngoài cổng thành, gần bờ sông, là nơi chúng tôi tin rằng người ta họp lại để cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống và giảng cho các phụ nữ đang tụ họp ở đó. [14] Có một phụ nữ lắng nghe chúng tôi, tên là Ly-đi, quê ở thành Thi-a-ti-rơ, chuyên bán vải sắc tía, là người thờ kính Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng Ly-đi khiến bà chú ý đến lời Phao-lô nói. [15] Sau khi cùng nhận báp-têm với người nhà mình rồi, Ly-đi mời chúng tôi: “Nếu các ông xét tôi là trung thành với Chúa, xin hãy vào ở lại nhà tôi.” Rồi bà ép mời chúng tôi vào … [23] Sau khi đánh đòn, họ tống giam hai ông và dặn viên cai ngục phải canh giữ nghiêm ngặt.

Công Vụ 20:20-21 [20] Tôi rao truyền mọi điều lợi ích cho anh em, chẳng giữ lại điều gì, và dạy dỗ anh em nơi công chúng, hay từ nhà nầy sang nhà kia; [21] tôi khuyến cáo cả người Do Thái lẫn người Hi Lạp về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời và đức tin nơi Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta.

  1. Hãy đọc Mác 4:11-12. Trước khi sự biến đổi thực sự đến, một người nên...
    1. Xem
    2. Nhận biết.
    3. Nghe.
    4. Hiểu.
    5. Tất cả các đáp án trên.

Mác 4:11-12 [11] Ngài phán: “Sự mầu nhiệm về vương quốc Đức Chúa Trời đã được ban cho các con; nhưng đối với người ngoài, thì mọi sự đều nằm trong các ẩn dụ, [12] để họ: Xem thì vẫn xem, mà không thấy, nghe thì vẫn nghe, mà không hiểu; E rằng họ hối cải mà được tha tội chăng.”

  1. Hãy đọc Công Vụ 28:23-24. Khi sứ đồ Phao-lô làm chứng và giải nghĩa về Phúc Âm, ông mất bao nhiêu lâu để thuyết phục người chưa tin tiếp nhận Chúa Jêsus?

Công Vụ 28:23-24 [23] Sau khi định ngày gặp ông, họ đến thăm ông tại nhà trọ rất đông. Từ sáng đến chiều, ông cứ làm chứng và giải nghĩa cho họ về vương quốc Đức Chúa Trời, lấy luật pháp Môi-se và các lời tiên tri mà cố gắng thuyết phục họ về Đức Chúa Jêsus. [24] Một số người chịu thuyết phục bởi lời ông giảng, còn số khác không chịu tin.

  1. Hãy đọc Công Vụ 16:14. Điều gì phải được mở ra để ai đó có thể tiếp nhận Chúa Jêsus?

Công Vụ 16:14 Có một phụ nữ lắng nghe chúng tôi, tên là Ly-đi, quê ở thành Thi-a-ti-rơ, chuyên bán vải sắc tía, là người thờ kính Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng Ly-đi khiến bà chú ý đến lời Phao-lô nói.

  1. Hãy đọc Công Vụ 2:37. Điều gì xảy ra sau khi người đó được mở lòng và bị thuyết phục?

Công Vụ 2:37 Khi nghe điều ấy, lòng đau như cắt, họ liền hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Các anh ơi, chúng tôi phải làm gì đây?”

  1. Hãy đọc Công Vụ 16:31, 2:38. Vậy, người đó phải làm gì?

Công Vụ 16:31 Hai ông trả lời: “Hãy tin Chúa là Đức Chúa Jêsus thì ông và cả gia đình ông sẽ được cứu.”

Công Vụ 2:38 Phi-e-rơ trả lời: “Hãy ăn năn, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jêsus nhận báp-têm để được tha tội mình, rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh.

  1. Hãy đọc Công Vụ 2:42 và Giăng 8:31-32. Và sau đó người ấy phải làm gì?

Công Vụ 2:42 Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.

  1. Hãy đọc Rô-ma 10:14-15. Đọc theo thứ tự ngược lại (những câu Kinh Thánh này), làm thế nào một người đến với Đấng Christ?

Rô-ma 10:14-15 [14] Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào? [15] Nếu chẳng có ai được sai đi thì làm sao rao giảng? Như có lời chép: “Bàn chân của những người truyền rao Tin Lành thật xinh đẹp biết bao!”

Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Mác 16:15. Tin Lành cần được giảng cho những ai?

Tất cả mọi người.

  1. Hãy đọc Ma-thi-ơ 28:19-20. Ai cần được môn đồ?

Muôn dân.

  1. Hãy đọc Công Vụ 8:5,26, 16:13-15, 23, 20:20-21. Phúc Âm được rao giảng ở đâu?
  • Thành phố.
  • Sa mạc.
  • Bờ sông.
  • Tù ngục.
  • Nơi công cộng.
  • Từ nhà này sang nhà khác.
  1. Trước khi sự biến đổi thật sự được diễn ra, một người nên … E. Tất cả các đáp án trên.
  2. Hãy đọc Công Vụ 28:23-24. Khi sứ đồ Phao-lô làm chứng và giải nghĩa về Phúc Âm, ông mất bao nhiêu lâu để thuyết phục người chưa tin tiếp nhận Chúa Jêsus?

Từ sáng đến chiều (khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ).

  1. Hãy đọc Công Vụ 16:14. Điều gì phải được mở ra để ai đó có thể tiếp nhận Chúa Jêsus?

Tấm lòng.

  1. Hãy đọc Công Vụ 2:37. Điều gì xảy ra sau khi người đó được mở lòng và bị thuyết phục?

Họ sẽ hỏi: “Tôi sẽ phải làm gì đây?”

  1. Hãy đọc Công Vụ 16:31, 2:38. Vậy, người đó phải làm gì?
  • Ăn năn và tiếp nhận Chúa Jêsus.
  • Nhận phép báp-têm
  1. Hãy đọc Công Vụ 2:42 và Giăng 8:31-32. Và sau đó người ấy phải làm gì?
  • Giữ các lời dạy của các sứ đồ
  • Tiếp tục học lời Chúa
  1. Hãy đọc Rô-ma 10:14-15. Đọc theo thứ tự ngược lại (những câu Kinh Thánh này), làm thế nào một người đến với Đấng Christ?
  • Có người được sai đi rao giảng Tin Lành
  • Có người được nghe rao giảng Tin Lành
  • được nghe về Chúa Jêsus Christ, có người tin Chúa.
  • người đó tin Chúa, người đó có thể kêu cầu trong danh Chúa.