BÀI SỐ 4

MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

BÀI HỌC

Một trong những điều quan trọng nhất về mối quan hệ là tìm hiểu người mà bạn sẽ có mối quan hệ với, và điều đó cũng áp dụng với Chúa. Bạn cần hiểu bản chất cơ bản và bản tính của Đức Chúa Trời để có mối quan hệ lành mạnh với Ngài. Hiểu nhầm bản tính của Chúa là một trong những lí do nhiều người không có được một mối quan hệ tích cực với Ngài. Đây chính là điều đã xảy ra trong vườn Ê-đen khi A-đam và Ê-va bị con rắn cám dỗ. Họ phạm tội và không vâng Lời Chúa, và đẩy con người vào tội lỗi. Sự thiếu hiểu biết của họ về bản chất của Chúa là một phần của sự cám dỗ.

Câu chuyện trong sách Sáng Thế Ký 3:1-5 hẳn là quen thuộc với nhiều người: [1] Trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo nên, rắn là loài quỷ quyệt hơn cả. Rắn nói với người nữ: “Có thật Đức Chúa Trời đã dặn các người không được ăn trái các cây trong vườn sao?” [2] Người nữ nói với con rắn: “Chúng tôi được ăn trái của các cây trong vườn, [3] nhưng về trái của cây trồng giữa vườn, Đức Chúa Trời đã phán: ‘Các con không được ăn, cũng đừng đụng chạm đến trái cây ấy, kẻo các con sẽ chết’”. [4] Con rắn nói với người nữ: “Các người chắc chắn không chết đâu! [5] Vì Đức Chúa Trời biết rằng khi nào các người ăn trái cây đó thì mắt mở ra, và các người sẽ giống Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.”

Có một hàm ý xấu ở đây mà Sa-tan muốn nói đó là Chúa thực ra không phải là một Đức Chúa Trời tốt lành … vì Ngài muốn giấu một cái gì đó và không muốn cho A-đam và Ê-va biết … rằng Chúa không muốn họ đạt đến tiềm năng của mình… rằng Chúa không muốn họ trở nên giống như Chúa…và rằng lý do mà Chúa không muốn họ ăn trái của điều thiện và điều ác là vì Chúa muốn gây trở ngại cho họ. Nói cách khác, Sa-tan chống lại bản chất và bản tánh thật của Chúa bằng cách lừa họ rằng Chúa không muốn điều tốt nhất cho họ. Điều này là thực tế ngày nay, Sa-tan vẫn tiếp tục lừa gạt con người rằng “Nếu anh theo Chúa và không thử hết các thú vui trái với lời của Chúa, anh sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán.” Nhưng điều đáng buồn là sau khi một người thử nghiệm hết các loại ma tuý, uống hết các loại rượu chè, thử đi theo tà dâm, sự nổi loạn, sự nuông chiều bản thân, và kể cả sự thành đạt trong công việc và nhiều thứ khác, không điều gì có thể thoả mãn tấm lòng họ. Và đến khi họ nhận ra được điều này, gia đình, cuộc sống và sức khỏe của họ đã bị tổn hại.

Sự thật là Chúa là một Đức Chúa Trời tốt lành, và Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Nhưng Sa-tan vẫn dùng đúng những cám dỗ như trong vườn Ê-đen để lừa chúng ta rằng Chúa không phải là một Đức Chúa Trời tốt lành gì cả. Những người còn chưa hiểu Kinh Thánh một cách đầy đủ thường hay nghĩ như vậy bởi vì có nhiều trường hợp Chúa trừng phạt con người rất nghiêm khắc và khắc nghiệt. Như trong Dân Số Ký 15:32-36, một người đàn ông bị ném đá đến chết vì tội nhặt một cây gậy lên trong ngày Sa-bát. Nếu chỉ mới đọc qua thì sự trừng phạt này có vẻ quá khắc nghiệt, nhưng thực ra sự trừng phạt này là có mục đích cụ thể. Khi chúng ta nghiên cứu Luật Pháp trong thời Cựu Ước, luật pháp được đưa ra để làm cho tội lỗi con người trở nên vô cùng nghiêm trọng, như sứ đồ Phao- lô nói trong Rô-ma 7:13. Con người thời đó không nhận thức được tội lỗi của mình là một sự xúc phạm đến Chúa. Họ so sánh bản thân với những người xung quanh, từ cách nghĩ đến hành động.

Nếu một người phạm tội và không có gì xảy ra, không ai chết thì có nghĩa là tội lỗi không phải là cái gì quá xấu, và từ đó họ giảm đi tiêu chuẩn của xã hội. Họ đánh mất khái niệm về cái tốt và cái xấu. Đức Chúa Trời đã phải đưa loài người trở lại với sợi dây chuẩn mực, một tiêu chuẩn đúng đắn của việc sống đúng đắn là gì và từ chối Sa-tan và các cám dỗ của hắn và nhận thức được hậu quả của tội lỗi. Và sau khi luật pháp được đưa ra, Chúa phải thi hành luật pháp của Ngài.

Chúa đã không đưa ra các điều răn trong Cựu Ước với mục đích nói rằng, “Nếu các con không làm tất cả những điều này thì Ta không thể nào chấp nhận các con hoặc yêu thương các con được”. Đó không phải là bản chất và bản tính của Chúa. Trái lại, Chúa đưa ra Luật Pháp để con người nhận thức được rõ ràng hơn tiêu chuẩn đúng/sai của Chúa và nhận thức được rằng họ cần một Chúa Cứu Thế. Vấn đề là nhiều người nghĩ rằng, họ phải làm tất cả mọi thứ hoàn hảo, không bao giờ mắc lỗi, bằng không thì Chúa không thể yêu thương họ, và từ đó họ nghĩ rằng tình yêu của Chúa phụ thuộc vào thành tích của họ. Họ cảm thấy rằng chỉ bằng cách cố gắng làm mọi việc một cách hoàn hảo, còn ngoài ra thì Chúa không chấp nhận họ, và đó không phải là thông điệp mà Kinh Thánh muốn truyền đạt.

Tấm lòng của Chúa là hoà giải chúng ta về với Ngài và không phán xét họ … không quy tội cho nhân loại … không dùng tội của họ để chống lại họ. Đó chính là tấm lòng của Chúa đối với những người trong Kinh Thánh và đối với tất cả chúng ta ngày nay. Chúng ta phải hiểu được tấm lòng của Ngài, rằng Chúa là tình yêu (I Giăng 4:8). Chúa tìm mọi cách để loại bỏ tội lỗi của chúng ta và bất kỳ cái gì ngăn trở chúng ta đến với Ngài. Chúa đã dùng Chúa Jêsus để đạt được điều này, và Chúa đã và đang tạo cơ hội để chúng ta có thể có một mối quan hệ với Ngài không dựa trên thành tích mà dựa trên đức tin và sự tiếp nhận Cứu Chúa Jêsus là Đấng đã trả giá cho mọi tội lỗi của chúng ta. Mọi người đều có thể có một mối quan hệ với Chúa bất chấp mọi lỗi lầm nào trong cuộc đời của họ. Chúa chỉ đòi hỏi đúng một điều từ bạn, đó là đặt đức tin của mình vào Chúa Cứu Thế Jêsus.

Câu Hỏi Và Các Câu Kinh Thánh Trong Bài Học
  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:1. Sa-tan hỏi Ê-va điều gì?

Sáng Thế Ký 3:1 Trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo nên, rắn là loài quỷ quyệt hơn cả. Rắn nói với người nữ: “Có thật Đức Chúa Trời đã dặn các người không được ăn trái các cây trong vườn sao?”

  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 2:17 và Sáng Thế Ký 3:3. Ê-va đã thêm thắt câu hay từ gì vào lời mà Chúa dặn A-đam?

Sáng Thế Ký 2:17 Nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào con ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết.

Sáng Thế Ký 3:3 Nhưng về trái của cây trồng giữa vườn, Đức Chúa Trời đã phán: ‘Các con không được ăn, cũng đừng đụng chạm đến trái cây ấy, kẻo các con sẽ chết.’

  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:6. Một khi Sa-tan đã gieo rắc sự nghi ngờ vào tâm trí Ê-va về lời của Chúa, Ê-va đã làm gì trong câu Kinh Thánh này?

Sáng Thế Ký 3:6 Khi người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì làm cho mình khôn ngoan, thì hái và ăn, rồi trao cho chồng đang đứng bên cạnh; chồng cũng ăn nữa.

  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:9-10. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, Chúa có còn muốn giao tiếp và tiếp tục mối quan hệ với họ hay không?

Sáng Thế Ký 3:9-10 [9] Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam và hỏi:

“Con ở đâu?” [10] A-đam thưa: “Nghe tiếng Chúa trong vườn, con sợ nên đi trốn, vì con trần truồng.”

  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:22-24. Tại sao Chúa đuổi A-đam và Ê-va ra khỏi vườn Ê-đen?

Sáng Thế Ký 3:22-24 [22] Giê-hô-va Đức Chúa Trời nghĩ: “Nầy, loài người đã trở nên một bậc như Chúng Ta, biết phân biệt điều thiện và điều ác. Vậy bây giờ hãy coi chừng, kẻo loài người đưa tay hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.” [23] Vì vậy, Giê-hô- va Đức Chúa Trời truyền cho loài người ra khỏi vườn Ê-đen để cày xới đất đai, là nơi con người từ đó mà ra. [24] Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn. Tại phía đông vườn Ê-đen, Ngài đặt các chê-ru-bim với thanh gươm sáng chói, xoay mọi hướng, để canh giữ con đường đi đến cây sự sống.

  1. Bạn có thấy đây là một hành động thương xót của Chúa hơn là một hình phạt không?

  2. Hãy đọc Rô-ma 5:17. Chúng ta có thể nhận lãnh ân điển dư dật và quà tặng công chính của Chúa bằng cách nào?

  1. Mua bằng tiền.

  2. Tự kiếm.

  3. Tiếp nhận.

Rô-ma 5:17 Nếu chỉ vì tội của một người, mà qua người đó sự chết đã thống trị thể nào, thì cũng chỉ nhờ một Người là Đức Chúa Jêsus Christ, mà những ai nhận ân điển và quà tặng công chính cách dồi dào, sẽ càng thống trị trong sự sống thể ấy.

  1. Hãy đọc Rô-ma 6:23. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta xứng đáng điều gì?

Rô-ma 6:23 Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.

  1. Bằng ân điển của Ngài, Chúa đã ban cho chúng ta cái gì thay vào đó?

  2. Hãy đọc Rô-ma 10:3. Nếu chúng ta cố gắng thiết lập sự công chính của bản thân trước Chúa, chúng ta đã thất bại trong việc gì?

Rô-ma 10:3 Do không nhận biết sự công chính của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công chính riêng cho mình, nên họ không thuận phục sự công chính của Đức Chúa Trời.

  1. Hãy đọc I Giăng 1:9 và Rô-ma 4:3. Chúa đã hứa sẽ làm gì với TẤT CẢ mọi tội lỗi và mọi điều bất chính của chúng ta nếu chúng ta đặt đức tin vào Ngài?

I Giăng 1:9 Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.

Rô-ma 4:3 Vì Kinh Thánh nói gì? “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và nhờ đó ông được kể là công chính.

  1. Điều này nói với chúng ta điều gì về bản tính của Chúa?

Câu Trả Lời
  1. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:1. Sa-tan hỏi Ê-va điều gì?

“Có thật Đức Chúa Trời đã dặn các người không được ăn trái các cây trong vườn sao?”

2. Hãy đọc Sáng Thế Ký 2:17 và Sáng Thế Ký 3:3. Ê-va đã thêm thắt câu hay từ gì vào lời mà Chúa dặn A-đam?

“Cũng đừng đụng chạm đến trái cây ấy.”

3. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:6. Một khi Sa-tan đã gieo rắc sự nghi ngờ vào tâm trí Ê-va về lời của Chúa, Ê-va đã làm gì trong câu Kinh Thánh này?         

Hái và ăn.

4. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:9-10. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, Chúa có còn muốn giao tiếp và tiếp tục mối quan hệ với họ hay không?

Có, Chúa vẫn tiếp tục vào vườn tìm kiếm A-đam.

5. Hãy đọc Sáng Thế Ký 3:22-24. Tại sao Chúa đuổi A-đam và Ê-va ra khỏi vườn Ê-đen?

Bởi vì Chúa không muốn họ tiếp tục sống mãi mãi trong tình trạng đầy tội lỗi.

  1. Bạn có thấy đây là một hành động thương xót của Chúa hơn là một hình phạt không?

Có.

7. Hãy đọc Rô-ma 5:17. Chúng ta có thể nhận lãnh ân điển dư dật và món quà công chính của Chúa bằng cách nào?

C. Tiếp nhận

8. Hãy đọc Rô-ma 6:23. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta xứng đáng điều gì?

Sự chết.

  1. Bằng ân điển của Ngài, Chúa đã ban cho chúng ta cái gì thay vào đó?

Sự sống đời đời trong Chúa Jêsus.

  1. Hãy đọc Rô-ma 10:3. Nếu chúng ta cố gắng thiết lập sự công chính của bản thân trước Chúa, chúng ta đã thất bại trong việc gì?

Thuận phục Chúa Jêsus là sự công chính của chúng ta.

  1. Hãy đọc I Giăng 1:9 và Rô-ma 4:3. Chúa đã hứa sẽ làm gì với TẤT CẢ mọi tội lỗi và mọi điều bất chính của chúng ta nếu chúng ta đặt đức tin vào Ngài?

Tha tội, quên đi và tẩy sạch.

  1. Điều này nói với chúng ta điều gì về bản chất của Chúa?

Chúa nhân từ và yêu thương.