Trong khi giảng dạy, Chúa Jêsus thường sử dụng các ẩn dụ và câu chuyện để miêu tả chân lý thuộc linh. Lu-ca 18:9-14 chép rằng, [9] Đức Chúa Jêsus lại kể ẩn dụ nầy cho một số người tự cho mình là công chính mà khinh bỉ những người khác. Chúa Jêsus muốn tập trung vào nhóm những người cậy mình là công chính và do đó họ khinh bỉ người khác. Ngài kể ẩn dụ này cho nhưng người tin vào những gì họ đã làm. Chúng ta có thể gọi họ là tự cho mình là công chính, đó chính là điều mà Chúa Jêsus đang nói đến khi Ngài nói họ coi thường những người khác khi nói “Tôi tốt hơn anh”.
Trong câu 10, Chúa Jêsus phán rằng Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thu thuế. Chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại mà nói rằng họ đến nhà thờ để cầu nguyện, và có một người là người Pha-ri-si. Người Pha-ri-si ngày xưa rất sùng đạo. Trong tiếng cổ, Pha-ri-si có nghĩa là “người tách biệt”, họ sùng đạo đến mức họ không muốn ai lại gần vì sợ rằng người khác sẽ làm họ ô uế. Người đàn ông thứ hai trong câu chuyện là là một người thu thuế. Những người thu thuế thời xưa được coi là xấu xa, tội lỗi vì họ hay ăn gian, lừa gạt. Họ không từ một phương pháp nào để thu thuế của dân, sau đó đút túi càng nhiều tiền càng tốt và hối lộ giới quan chức La Mã để được ưu đãi.
Câu chuyện tiếp tục từ câu 11, người Pha-ri-si đứng dậy và cầu nguyện về mình như thế này: Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không phải như những người khác: tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế nầy. Xin hãy để ý rằng người Pha-ri-si không hề cầu nguyện tới Chúa, mà thực ra ông ta đang cầu nguyện tới chính bản thân mình mặc dù ông ta nhắc đến Đức Chúa Trời. Chúa hoàn toàn không thoả mãn với lời cầu nguyện này! Và chúng ta sẽ tìm hiểu lí do vì sao trong một chút nữa. Người Pha-ri-si cảm tạ Chúa vì ông ta không phải như những người khác. Ông ta nghĩ rằng mình công chính hơn những người khác và vì thế ông ta khinh người.
Trong câu 12, người Pha-ri-si kể rằng: Con kiêng ăn mỗi tuần hai lần, và nộp một phần mười về mọi lợi tức của con. “Có thấy điều tôi làm không?” Quý vị có biết ý nghĩa kiêng ăn của ông ta không? Nó chỉ có nghĩa là nhịn ăn mà thôi. Ông ta cũng dâng tiền cho nhà thờ và vì thế ông ta nghĩ rằng “Đừng làm phiền tôi! Tôi sống tốt, tôi hay làm từ thiện và nộp tiền cho nhà thờ!”
Sau đó trong câu 13, Còn người thu thuế đứng xa xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời, chỉ đấm ngực thưa: ‘Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân’. Xin hãy để ý đến cử chỉ của người thu thuế này, ông ta “đứng xa xa”, “không dám ngước mắt lên trời” và chỉ dám “đấm ngực thưa” vì ông ta cảm thấy xấu hổ vì tội lỗi của mình. Trong thời Cựu Ước, khi Kinh Thánh nhắc đến cử chỉ “đấm ngực”, rất nhiều lần người dân thường xé cả áo của mình để bày tỏ sự ăn năn của mình trước Chúa. Nó là dấu hiệu của một tấm lòng ăn năn, hối hận, một tấm lòng tan vỡ, và Chúa sẽ không khinh dể những hoàn cảnh này. Người thu thuế này đã nhận thức được mình là một tội nhân và đã cầu xin rằng, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân.”
Chúa Jêsus đáp lại trong câu 14, Ta bảo các con, người nầy trở về nhà mình, được xưng công chính chứ không phải người kia. Vì ai tự tôn cao sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ xuống sẽ được tôn cao. Người thu thuế thay vì bị trừng phạt, lại được Chúa xưng công chính và tha thứ. Vì sao chỉ có người thu thuế được xưng công chính mặc dù cả hai người cùng cầu nguyện với Chúa? Đó là bởi vì người Pha-ri-si tự coi mình là công chính, nghĩ rằng “Tôi tốt hơn hết thảy mọi người, tôi chẳng có tội lỗi gì, tôi không giống như những người khác!” trong khi người thu thuế nhận thức được rằng ông ta mắc tội, và trước mặt Chúa, ông ta không có một cái gì để tự hào. Ông là một tội nhân. Kinh Thánh chép rằng, Chúa Jêsus đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội ăn năn, và mỗi chúng ta đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời. Người thu thuế đã hạ mình xuống và đã nhận được sự tha thứ.
Chúng ta đang nói về sự cứu rỗi bởi ân điển của Chúa. “Ân điển” là một từ kì diệu, và tôi sẽ cho bạn giải nghĩa của từ này. Trong tiếng Hy Lạp, thứ ngôn ngữ mà sách Tân Ước sử dụng, từ “ân điển” là charis. Từ này có nghĩa là sự ưu đãi dồi dào mà Chúa ban cho những con người không xứng đáng. Người thu thuế hoàn toàn không xứng đáng được nhận bất kì điều tốt lành gì từ Chúa, nhưng Chúa đã ban cho anh ân điển của Ngài vì anh ta biết hạ mình. Trong tiếng Hy Lạp, có một từ nữa khi ta thêm ma vào sau từ charis, sẽ trở thành từ charisma, một danh từ khác để miêu tả ân điển của Chúa. Từ “charisma” miêu tả sự công chính mà Chúa ban cho chúng ta như một món quà.
Rô-ma 5:17 chép rằng, Nếu chỉ vì tội của một người, mà qua người đó sự chết đã thống trị thể nào, thì cũng chỉ nhờ một Người là Đức Chúa Jêsus Christ, mà những ai nhận ân điển và quà tặng công chính cách dồi dào, sẽ càng thống trị trong sự sống thể ấy. Chúa ban cho bạn và tôi sự công chính để có thể đứng trước mặt Ngài, và theo câu Kinh Thánh này, người thu thuế đã nhận được món quà công chính đó và món quà công chính đó chỉ được nhận qua Chúa Jêsus. Kinh Thánh câu Giăng 1:17 Vì luật pháp đã được ban bố bởi Môi-se, còn ân điển và chân lý thì đến từ Đức Chúa Jêsus Christ. Ân điển này Chúa chỉ ban cho những người biết rằng mình không xứng đáng và hạ mình trước Chúa cầu xin sự khoan dung của Ngài. Những người này sẽ nhận được sự khoan dung và tha thứ của Chúa.